Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước trên thế giới
Trong những ngày đầu Năm Mới 2021, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn phải tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trong những ngày đầu Năm Mới 2021, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn phải tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội ở khu vực thủ đô đến 17/1
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sáng 2/1, cơ quan chức năng của Hàn Quốc cho biết Chính phủ sẽ kéo dài các quy định giãn cách xã hội đang áp dụng hiện nay ở khu vực thủ đô đến ngày 17/1 tới.
Các ca mắc COVID-19 mới ở Hàn Quốc trong ngày đã giảm xuống dưới 900 ca, chủ yếu do số người làm xét nghiệm giảm trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Cụ thể, theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 824 ca COVID-19 sáng 2/1, trong đó có 788 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm lên 62.593 ca.
Cũng theo KDCA, đã có thêm 25 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng số người tử vong ở Hàn Quốc bởi dịch bệnh này lên 942 người.
Hiện Hàn Quốc đang áp dụng cấp độ giãn cách xã hộiở mức 2,5 trong thang bậc 5 cấp (mức 3 là cao nhất) đối với khu vực Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm một nửa dân số cả nước. Các khu vực khác được áp dụng mức giãn cách 2.
Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) sẽ đề nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp
Trong khi đó, tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo có kế hoạch đề nghị chính phủ trung ương một lần nữa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh.
Báo Nikkei sáng 2/1 đưa tin, Thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike dự kiến sẽ đưa ra đề nghị trên trong cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura trong chiều nay. Ông Yasutoshi Nishimura là quan chức phụ trách đối phó với dịch COVID-19 của chính phủ Nhật Bản.
[AstraZeneca dự kiến mỗi tuần cấp 2 triệu liều vắcxin cho nước Anh]
Nhật Bản từng ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hồi tháng 4/2020, khi mới bùng phát làn sóng thứ nhất của dịch COVID-19. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới theo ngày ở Nhật Bản liên tục tăng mạnh. Riêng khu vực thủ đô Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay hôm 31/12, với 1.337 ca.
Trung Quốc ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm trong nước
Còn tại Trung Quốc, ngày 2/1, nhà chức trách thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 22 ca nhiễm mới, trong đó có 14 ca nhập khẩu. Trong số 8 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 7 ca ở tỉnh Liêu Ninh (Liaoning) ở Đông Bắc Trung Quốc, 1 ca ở Bắc Kinh.
Trong số tất cả các ca nhập khẩu, đến nay đã có 4.015 ca khỏi bệnh trong khi còn 272 ca đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện, không có ca tử vong nào.
Pháp: Hơn 2.500 người vi phạm lệnh giới nghiêm, tham dự sự kiện âm nhạc trái phép
Kể từ ngày 2/1, Chính phủ Pháp kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm thêm hai giờ, áp dụng ở 15 tỉnh trên cả nước, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao.
Theo đó, lệnh giới nghiêm ban đêm áp dụng ở 15/101 tỉnh ở Pháp sẽ bắt đầu từ lúc 18h hằng ngày, thay vì 20h như quy định trước đây. Trong số các tỉnh bị giới nghiêm có tỉnh Les Alpes-Maritimes, nơi tọa lạc thành phố Nice. Các tỉnh còn lại nằm ở khu vực miền Đông. Thủ đô Paris hiện không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế mới.
Phát biểu ngày 1/1, người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết dịch COVID-19 vẫn đang lây lan ở Pháp với mức độ không đồng đều giữa các tỉnh. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi ở một số địa phương, nhà chức trách sẽ buộc phải đưa ra các quyết định cần thiết.
Ông Attal cũng cho hay các nhà hát và rạp chiếu phim sẽ không được phép mở lại từ ngày 7/1 tới như kế hoạch ban đầu.
Các thị trưởng ở Pháp đã liên tục hối thúc chính phủ nước này kéo dài giờ giới nghiêm ban đêm do lo ngại hệ thống y tế bị quá tải do số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt.
Theo số liệu của Bộ Y tế Pháp công bố ngày 1/1, trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 19.927 ca mắc mới COVID-19, thấp hơn mức 26.457 ca ghi nhận ngày 30/12/2020 (mức cao nhất trong hơn một tháng) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu dưới 5.000 ca/ngày.
Tính đến thời điểm này, số ca mắc COVID-19 ở Pháp hiện ở mức cao nhất tại Tây Âu và cao thứ 5 trên thế giới, với hơn 2,6 triệu ca mắc. Số ca tử vong đang là hơn 64.600 ca.
Tuy nhiên, nỗ lực của Chính phủ Pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh gặp không ít trở ngại do tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân, đặc biệt trong kỳ nghỉ Năm mới. Tại Lieuron thuộc vùng Brittany ở Tây Bắc nước Pháp, hơn 2.500 người đã vi phạm lệnh giới nghiêm khi tụ tập tham gia một sự kiện âm nhạc tổ chức trái phép.
Đụng độ đã xảy ra khi cảnh sát được cử tới để giải tán đám đông. Nhiều đối tượng quá khích thậm chí còn phóng hỏa đốt ôtô và ném chai lọ vào cảnh sát. Hiện các công tố viên đang mở cuộc điều tra về vụ việc.
Trong khi đó, tại thành phố Marseille ở miền Nam, lực lượng an ninh cũng đã ngăn chặn một bữa tiệc trái phép với hơn 300 người tham gia.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết 132.000 cảnh sát đã được triển khai trên khắp nước Pháp trong dịp Năm mới để đảm bảo trật tự trị an và việc tuân thủ lệnh giới nghiêm.
Tây Ban Nha cấm nhập cảnh đối với người đến từ Anh cho đến ngày 19/1
Tây Ban Nha ngày 1/1 thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Anh bằng đường hàng không và đường thủy cho đến ngày 19/1. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng đối với công dân Tây Ban Nha và những người có tư cách lưu trú hợp pháp tại nước này.
Hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ Anh đã được Tây Ban Nha áp dụng từ ngày 22/12 và theo dự kiến ban đầu thì sẽ kết thúc vào ngày 5/1 tới. Nhà chức trách Tây Ban Nha cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm soát biên giới vùng lãnh thổ Gibraltar.
Tính đến thứ Hai vừa rồi, Tây Ban Nha ghi nhận tại 6 khu vực có 19 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh. Trong số các trường hợp này có nhiều người mới từ Anh nhập cảnh vào Tây Ban Nha.
Bang New South Wales (Australia) quy định bắt buộc đeo khẩu trang
Tại Australia, bang đông dân nhất New South Wales (NSW) ngày 2/1 ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang và áp đặt thêm các hạn chế đi lại. Động thái này diễn ra trong bối cảnh NSW có thêm 7 ca mới liên quan đến các cụm lây nhiễm đang gia tăng.
Theo quy định mới sẽ có hiệu lực từ thứ Hai tới, những người không đeo khẩu trang khi vào một số cơ sở trong nhà như các trung tâm mua sắm, các điểm giải trí và trên các phương tiện công cộng có thể bị phạt tới 200 AUD (154 USD).
Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian phát biểu với báo giới rằng chính quyền bang coi sức khỏe và sự an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên cũng cần suy nghĩ tới vấn đề phúc lợi xã hội, việc làm và phát triển kinh tế.
Do đó, các biện pháp mới là cần thiết để đảm bảo rằng người dân vẫn tiếp tục được làm việc và thúc đẩy kinh tế phát triển, trong khi vẫn ngăn ngừa được virus lây lan.
Bang Victoria lân cận trong tuần vừa rồi cũng ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Trong ngày 2/1, bang này ghi nhận 10 ca nhiễm mới có “liên quan trực tiếp đến cụm lây nhiễm đang gia tăng ở bang NSW bên cạnh”. Chính quyền bang Victoria cũng ra lệnh hạn chế tụ tập và đóng cửa biên giới với bang NSW.
Đến nay Australia ghi nhận hơn 28.450 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 909 ca tử vong.
Israel là nước đầu tiên tiêm chủng cho 10% dân số
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Chính phủ Israel ngày 1/1 thông báo đã tiêm chủng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho gần 1 triệu người, tức là hơn 10% tổng dân số 9,2 triệu người của nước này.
Chiến dịch tiêm chủng mở rộng được khởi động từ hôm 20/12, sau khi Israel cấp phép lưu hành cho vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech. Các nhóm được ưu tiên tiêm gồm các nhân viên y tế, sinh viên các trường y, nhân viên các viện lão khoa và quan chức chính quyền.
Tổng thống Reuven Rivlin và Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đã được tiêm phòng. Người thứ 1 triệu được tiêm vắcxin là công dân Muhammad Jabarin ở thành phố Umm al-Fahm có đa số người Arab.
Thủ tướng Netanyahu coi chiến dịch tiêm chủng là cơ hội cho phép bình thường hóa hoạt động của người dân sau khi tiêm chủng đủ số lượng cần thiết.
Thủ tướng nêu rõ: “Một khi tiêm chủng ở diện đủ rộng, với hàng triệu người được tiêm phòng, chúng ta mới có thể mở cửa lại hoạt động thương mại, các cửa hàng, nhà hàng… Mọi người mới có thể xuất ngoại, làm ăn kinh doanh và du lịch tới Dubai, Abu Dhabi, Bahrain.”
Ngoài vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech, Israel cũng mua vắcxin của công ty Moderna của Mỹ. Trong khi đó, trung tâm y tế Hadassah ở Jerusalem cũng đã đặt mua 1,5 triệu liều vắcxin Sputnik V của Nga và đang đợi Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Ankara thương lượng sản xuất vắcxin của BioNTech tại Thổ Nhĩ Kỳ
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghệ (TUBITAK) của nước này đang thương lượng với hãng dược BioNTech của Đức về việc sản xuất vắcxin tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan cho biết Chủ tịch TUBITAK Hasan Mandal đã và đang thảo luận với Giám đốc điều hành hãng BioNTech Ugur Sahin về khả năng sản xuất vắcxin của hãng này tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu với báo giới ngày 1/1, ông Erdogan nêu rõ: “Kế hoạch sản xuất vắcxin sẽ sớm được công bố rõ ràng và sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết.”
BioNTech hiện đang hợp tác với hãng dược Pfizer của Mỹ trong phát triển vắcxin phòng bệnh COVID-19 với tỷ lệ hiệu quả lên đến 95%.
Hôm 8/12, Anh là quốc gia đầu tiên cấp phép cho vắcxin này lưu hành để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ngay sau đó, Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) cũng cấp phép cho loại vắcxin này./.
Ý kiến ()