Tình hình buôn lậu vẫn phức tạp, hàng giả gia tăng trên không gian mạng
Chung tay vào cuộc quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ gần 100.000 vụ vi phạm trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay.
Lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, thời gian qua tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không diễn biến quá phức tạp, ít phát sinh các điểm nóng, tuy nhiên sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới Tây Nam, tuyến biển, tuyến đường hàng không và bưu chính quốc tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lại có xu hướng gia tăng.
Báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 100.000 vụ việc vi phạm; trong đó hơn có 12.200 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; trên 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Khởi tố 380 vụ, với 472 đối tượng. Thu nộp ngân sách nhà nước từ các vụ việc vi phạm 7.666 tỷ đồng.
Riêng đối với ngành Hải quan, bên cạnh việc tạo thuận lợi thương mại, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng liên tục được tăng cường nhằm tạo môi trường minh bạch và chống thất thu ngân sách nhà nước. Kết quả, trong 10 tháng năm 2022, toàn ngành Hải quan đã phát hiện gần 14.000 vụ vi phạm với trị giá hàng hoá gần 4.800 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ vi phạm. Trong đó, riêng Cục Hải quan TPHCM phát hiện 2.470 vụ, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.771 tỷ đồng. Xử lý, thu nộp ngân sách nhà nước trên 40,6 tỷ đồng (tăng 186,6% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 2 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố trên 50 vụ.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn âm thầm diễn ra với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường, tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng chức năng xử lý kịp thời, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh vẫn còn diễn ra phức tạp, nhu cầu của người dân mua hàng trên không gian mạng gia tăng. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng để bán hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng nên việc xác minh, truy tìm xử lý vụ việc còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt kinh doanh trên ứng dụng mạng xã hội, do thiếu cơ sở pháp lý.
Hàng giả len lỏi vào trung tâm thương mại
Trong những ngày vừa qua, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã đồng loạt kiểm tra nhiều cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn, như: Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, Trung tâm Thương mại An Đông…, phát hiện thu giữ gần chục nghìn sản phẩm là túi xách, mắt kính, quần áo, giày dép… có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng.
Đó chỉ là một vài điểm trong hàng trăm điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái bị lực lượng chức năng phát hiện. Tình trạng kinh doanh hàng giả trên thị trường TPHCM cũng đang “vào mùa”. Trong 10 tháng năm 2022, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra 412 vụ trong đó có 408 vụ vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, 3 vụ vi phạm về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và 1 vụ buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Tạm giữ trên 345.000 đơn vị sản phẩm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 7,4 tỷ đồng.
Trên thực tế hàng giả được làm rất tinh vi, rất giống hàng thật để lừa người tiêu dùng. Theo bà Vũ Thị Minh Ngọc, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường, bản thân những cán bộ làm chuyên môn như lực lượng Quản lý thị trường nếu nhìn mắt thường đôi khi cũng rất khó có thể nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. “Các sản phẩm được làm giả ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện. Để giúp người tiêu dùng nhận biết các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, Tổng cục Quản lý thị trường đã trưng bày, giới thiệu tại Phòng Trưng bày đợt này bao gồm: giả nhãn mác, giả xuất xứ, giả về chất lượng…”, bà Ngọc cho biết. Cũng theo bà Ngọc, việc sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi và phức tạp, điều này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đánh của nhà sản xuất mà ngay cả quyền lợi của người tiêu dùng cũng đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Tại các thành phố lớn, bên cạnh lượng hàng lậu được đưa từ biên giới về, các loại hàng giả, hàng nhái cũng được bày bán khá phổ biến, thậm chí còn cạnh tranh trực tiếp với hàng thật. Với quy trình sản xuất không cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, không thực hiện các nghĩa vụ về thuế… hàng giả có mức giá rẻ hơn rất nhiều và chính điều này đã thu hút sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng mà không hay biết rằng mình đang tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, làm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, trong 10 tháng năm 2022, Hiệp hội này đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, các vụ việc được cơ quan chức năng xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đơn cử trong năm 2021 phát hiện và xử lý 394 trường hợp phụ tùng xe máy, xe điện hàng giả hàng nhái, nhưng theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam ước tính có tới 5.681 cửa hàng vi phạm trên toàn quốc.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, còn nội dung rất quan trọng là việc tuyên truyền để người dân, người mua hàng biết cách phòng tránh, ngăn ngừa hàng lậu, hàng giả.
Ý kiến ()