Tinh gọn mạng lưới phòng khám đa khoa khu vực
(LSO) – Hơn 40 năm nay, Lạng Sơn tồn tại nhiều phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) hoạt động không hiệu quả. Để mạng lưới PKĐKKV hoạt động hiệu quả, tinh gọn hơn, Lạng Sơn đã mạnh dạn giải thể những đơn vị này.
Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Thành, huyện Cao Lộc điều trị cho bệnh nhân
Hoạt động không hiệu quả
Từ năm 1977 đến nay, Lạng Sơn có 25 PKĐKKV được thành lập và đưa vào hoạt động tại 11 huyện, thành phố với 145 giường bệnh và 95 cán bộ y tế. Trong thực tế, qua rà soát của Sở Y tế, toàn tỉnh có 16 PKĐKKV hoạt động không hiệu quả với quy mô 85 giường bệnh và 40 cán bộ y tế.
Các PKĐKKV hoạt động không hiệu quả thể hiện ở chỗ nhân lực chỉ có 1 – 1,1 biên chế/giường bệnh (ít hơn so với quy định); trình độ chuyên môn cán bộ y tế còn hạn chế nên nhiều PKĐKKV phải sử dụng nhân lực của trạm y tế cấp xã để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như: PKĐKKV Tân Thành (huyện Cao Lộc), PKĐKKV Áng Mò (huyện Tràng Định). Cũng trong số 25 PKĐKKV có tới 12 phòng khám không có bác sĩ. Vì lý do trên nên nhiều PKĐKKV chưa khai thác và sử dụng hết công năng của cơ sở hạ tầng, chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả các trang thiết bị được đầu tư. Về nhiệm vụ, các PKĐKKV là tuyến sau trực tiếp của các trạm y tế xã, có nhiệm vụ khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân tại cụm xã nhưng thực tế chủ yếu chỉ KCB cho nhân dân trên địa bàn xã có phòng khám.
Cùng với đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho PKĐKKV không đầy đủ, thiếu đồng bộ làm ảnh hưởng đến hoạt động KCB. PKĐKKV Tân Thành (huyện Cao Lộc) là một ví dụ. Y sĩ Đặng Văn Đường, nguyên Trưởng PKĐKKV nay là Trưởng Trạm Y tế xã Tân Thành kể: “Từ khi đi vào hoạt động, PKĐKKV Tân Thành thiếu các phòng chức năng (xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang) và nhiều thiết bị y tế khác nên ảnh hưởng đến công tác KCB. Người bệnh đến đây chỉ có thể khám, điều trị ngoại trú, không thể điều trị nội trú, đa số bệnh nhân chỉ KCB ban đầu rồi chuyển cơ sở y tế khác”.
Giải thể 16 phòng khám đa khoa khu vực
Trên cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của các PKĐKKV, đầu năm 2018, Sở Y tế xây dựng Đề án giải thể một số PKĐKKV trên địa bàn tỉnh. Sau khi trình và được UBND tỉnh chấp thuận, đến nay, toàn tỉnh đã giải thể 16 PKĐKKV hoạt động không hiệu quả tại địa bàn 8/11 huyện, thành phố. Trong đó, Văn Lãng, Văn Quan mỗi huyện 3 phòng; Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Tràng Định mỗi huyện 2 phòng; Chi Lăng, Lộc Bình mỗi huyện 1 phòng. Hiện, toàn tỉnh chỉ duy trì hoạt động 9 PKĐKKV tại một số huyện, thành phố trong tỉnh.
Sau khi giải thể 16 PKĐKKV đã có 85 chỉ tiêu giường bệnh, 35 nhân viên y tế được chuyển về trung tâm y tế các huyện. Toàn bộ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của các PKĐKKV giải thể được điều chuyển cho trạm y tế cấp xã trên cùng địa bàn quản lý và sử dụng.
Ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn cho biết: Việc giải thể các PKĐKKV đã đem lại những hiệu quả tích cực. Đó là toàn tỉnh giảm 16 chức danh trưởng PKĐKKV. Việc chuyển 35 biên chế của các PKĐKKV giải thể về trung tâm y tế huyện đã giảm bớt khó khăn do thiếu nhân lực tại các trung tâm này. Mặt được nữa là trang thiết bị, giường bệnh chuyển cho trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã nhằm củng cố và góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho hệ thống y tế cơ sở, giúp tỉnh thực hiện đảm bảo lộ trình bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã. 9 PKĐKKV còn lại đã và đang làm tốt công tác KCB tại các cụm xã và địa bàn đông dân cư; đồng thời tham gia trực tiếp vào công tác y tế dự phòng tại cộng đồng; chỉ đạo, hỗ trợ các hoạt động và đào tạo cho trạm y tế trong cụm xã.
Từ những kết quả trên có thể thấy thành công của ngành y tế trong tinh gọn mạng lưới PKĐKKV theo hướng giảm chồng chéo, tránh cồng kềnh. Qua đây đáp ứng tốt tinh thần chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, đáp ứng tốt yêu cầu KCB của nhân dân trong tình hình hiện nay.
Ý kiến ()