Tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Chiều 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong đó, các nội dung liên quan đến giá dịch vụ khám, chữa bệnh, tự chủ bệnh viện, Hội đồng Y khoa quốc gia… thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong phiên họp chiều 6/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Cần phân luồng giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như thể hiện tại Điều 110 và quy định lộ trình trước ngày 1/1/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Góp ý về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tán thành với quan điểm dịch vụ khám, chữa bệnh là dịch vụ đặc thù nên Nhà nước phải quy định rất rõ những bộ phận, yếu tố cấu thành tạo nên giá dịch vụ để tránh tình trạng tùy tiện trong định giá.
Đại biểu Cường đề nghị quy định giá dịch vụ y tế đối với các bệnh viện tự chủ phải phân thành hai dạng. Thứ nhất là giá dịch vụ cơ bản nhằm đáp ứng cho phần đông đối tượng khám chữa bệnh, và mức giá này không được vượt quá mức giá quy định của Nhà nước theo một tỷ lệ nhất định. Thứ hai, giá dịch vụ theo yêu cầu không nên giới hạn trong mức giá cao nhất của Nhà nước mà theo chất lượng cung cấp dịch vụ của bệnh viện.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tham gia ý kiến thảo luận tại hội trường. |
Có cùng đề xuất, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng cần phân hai luồng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng gồm giá được bảo hiểm chi trả và giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Giá được bảo hiểm chi trả là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa. Phương pháp điều chỉnh giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho mọi đối tượng người dân.
Trong khi đó, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển, do vậy không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt.
Đại biểu Hiếu cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc tiến hành rà soát, kiểm tra giá khám chữa bệnh bảo đảm công khai, giải trình tường minh.
Quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia
Cho ý kiến về Hội đồng Y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) bày tỏ nhất trí quy định nội dung này trong dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm vấn đề bộ máy, biên chế khi thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình góp ý kiến vào dự thảo Luật. |
Dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia, với các nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính chuyên môn sâu như xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề…
Do đó, đại biểu Tâm cho rằng cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia, bảo đảm đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện nay có khoảng 182 trường khối ngành sức khỏe, trong đó 90 trường công lập, 92 trường ngoài công lập, các trường này khác nhau về tầm nhìn, mục tiêu, điểm đầu vào, về giáo trình, giảng viên cơ sở thực hành… Vì vậy, cần có bộ công cụ để chuẩn hóa sau khi tốt nghiệp.
Đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng Y khoa quốc gia. |
“Hội đồng Y khoa quốc gia có vai trò rất quan trọng, là nơi tập hợp điều phối các chuyên gia, giảng viên các trường đại học, các hội nghề nghiệp, cũng như các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các bộ công cụ để đánh giá năng lực hành nghề” – đại biểu Cường nói.
Đại biểu cũng đề nghị cần phải bảo đảm tiếp cận bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề đối với người học, tránh hiện tượng đến kỳ thi học cấp tốc, lúc đó chỉ là trí nhớ ngắn hạn. Về lộ trình thực hiện, trước mắt chỉ nên tập trung vào đối tượng bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh trong bối cảnh điều kiện nguồn lực còn hạn chế.
https://nhandan.vn/tinh-dung-tinh-du-cac-yeu-to-cau-thanh-gia-dich-vu-kham-chua-benh-post733619.html
Theo Nhandan
Ý kiến ()