Tỉnh đoàn xây dựng mô hình “Dân vận khéo”
(LSO) – Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo”(DVK) luôn được Tỉnh đoàn quan tâm thực hiện. Phong trào đã được các đầu mối trực thuộc, lực lượng thanh niên trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đoàn viên thanh niên thuộc Huyện đoàn Văn Quan tham gia làm đường xây dựng nông thôn mới
Anh Nguyễn Tuấn Nam, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Hằng năm, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn chủ động ban hành chương trình, kế hoạch triển khai công tác dân vận gắn với phong trào thi đua DVK và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể như: ngày 13/3/2017, BTV Tỉnh đoàn ban hành Kế hoạch 216-KH/TĐTN-VP về triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận…
Hưởng ứng phong trào này, đoàn viên thanh niên toàn tỉnh tích cực tham gia, qua đó, xuất hiện nhiều mô hình DVK hiệu quả như: mô hình “6 cộng 1”; thôn “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – Văn Minh”; “Học kỳ trong quân đội”, “Học làm chiến sỹ công an”…
Một trong những mô hình DVK nổi bật của Tỉnh đoàn là mô hình “6 cộng 1”. Đây là mô hình hướng về cơ sở của cán bộ Tỉnh đoàn. Theo đó, trong 7 ngày trên mỗi tuần, cán bộ Tỉnh đoàn sẽ dành 1 ngày đi công tác tại cơ sở đoàn thuộc các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc trong tỉnh để tăng cường việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác đoàn, hội, đội tại cơ sở. Từ năm 2017 đến nay, đã có gần 700 lượt cán bộ Tỉnh đoàn đi công tác tại cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đoàn.
Chị Đinh Thị Linh Chi, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn chia sẻ: Tôi cùng các cán bộ khác luân phiên đến các xã để “gỡ khó”. Thực tế qua các chuyến đi, tôi nhận thấy ủy viên ban chấp hành đoàn các xã đa phần thiếu nghiệp vụ công tác đoàn; việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên chưa sâu rộng, việc tập hợp đoàn kết đoàn viên chưa hiệu quả… Bằng kinh nghiệm của mình, tôi đã định hướng, hướng dẫn trực tiếp, tăng cường trao đổi để khắc phục khó khăn… Sau mỗi chuyến công tác, tôi chủ động tham mưu cho Tỉnh đoàn xây dựng các phương án, giải pháp khắc phục hạn chế, kế hoạch tập huấn cho cán bộ đoàn ở cơ sở.
Thành đoàn Lạng Sơn là một trong những đơn vị tích cực triển khai các mô hình DVK. Chị Lê Thùy Dung, Bí thư Thành đoàn cho biết: Từ năm 2017 đến nay, đơn vị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động nguồn lực, phối hợp với các ban, đoàn thể làm công tác dân vận trong các lĩnh vực như: tuyên truyền, vận động, hỗ trợ trồng hoa, cây xanh cảnh xây dựng khu dân cư kiểu mẫu tại 3 xã và ra quân trồng trên 200 m đường hoa với 150 cây hoa; hướng dẫn nhân dân củng cố các tiêu chí nông thôn mới tại xã Hoàng Đồng, thu hút hơn 140 hộ dân tham gia; trồng được 300 cây đào tại thành Nhà Mạc. Phối hợp tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng đối với các dự án: công viên bờ sông, Bệnh viện Đa khoa 700 giường, khu tái định cư dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu… Hay như chương trình tiếp sức mùa thi năm học 2017 – 2018, Thành đoàn đã thành lập được 10 đội thanh niên tình nguyện với 140 đoàn viên tham gia rà soát địa điểm ăn uống, nhà trọ giá rẻ, miễn phí cho thí sinh và người nhà; hỗ trợ đưa đón và phát nước miễn phí cho thí sinh…
Cùng với Thành đoàn, các đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn cũng tích cực xây dựng các mô hình, điển hình DVK về các lĩnh vực trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, đã có 145 tập thể đăng ký thực hiện 145 mô hình, 207 cá nhân đăng ký thực hiện 207 mô hình DVK trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, công tác đoàn…
Đến nay, có hơn 70% mô hình được đánh giá là hiệu quả, thúc đẩy các phong trào, hoạt động của đoàn ngày càng phát triển. Điển hình như phong trào thanh niên tình nguyện, từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp bộ đoàn đã thực hiện được 9 công trình thanh niên cấp tỉnh, 77 công trình thanh niên cấp huyện, 700 công trình, phần việc thanh niên cấp xã với tổng trị giá trên 3,7 tỷ đồng. Các mô hình tình nguyện tham gia đảm bảo an sinh xã hội cũng được đánh giá hiệu quả với 775 suất quà dành cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí được 74 cuộc cho hơn 13 nghìn người; hiến máu tình nguyện được 2.309 đơn vị máu…

Ý kiến ()