Tính chỉ tiêu tổng sản phẩm nội tỉnh theo phương pháp mới: Sát thực để hoạch định chiến lược
LSO- Ngày 10/9/2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 93 về thực hiện đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn. Phương pháp mới có nhiều ưu điểm và sát thực hơn để phân tích và hoạch định chiến lược phát triển. Để hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Lạng Sơn đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Lê Tuân, Cục trưởng Cục Thống kê về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, tại sao chúng ta lại phải đưa ra phương pháp tính mới, trong khi cách tính cũ vẫn có thể sử dụng để phân tích và hoạch định chiến lược phát triển?
Ông Trần Lê Tuân: Tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, dùng để phân tích kinh tế và hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, theo cơ chế quản lý kinh tế của nước ta, cấp tỉnh cũng có chức năng quản lý, chỉ đạo và điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, Tổng cục Thống kê đã ban hành phương pháp tính, áp dụng thống nhất với các Cục Thống kê tính chỉ tiêu tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP.
Cách tính này đã đáp ứng được một phần quan trọng trong việc đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế cả nước cũng như theo tỉnh, thành phố. Thế nhưng trong giai đoạn hiện nay, quy trình biên soạn số liệu đã bộc lộ những bất cập. Ở tầm vĩ mô, điều dễ nhận thấy nhất là sự chênh lệch ngày càng lớn giữa GDP toàn quốc và GRDP của các địa phương. Tăng trưởng kinh tế của cả nước hàng năm chỉ ở mức 4-5%, thế nhưng tăng trưởng của các địa phương luôn ở mức cao từ 9-12%, thậm chí có tỉnh tăng trưởng tới gần 20%.
Lấy một ví dụ dễ hiểu, một chuyến tàu chở hàng từ Lạng Sơn về Hà Nội, thành phố Lạng Sơn cũng thống kê tính vào giá trị, vẫn là tàu hàng ấy nhưng huyện Chi Lăng, Hữu Lũng cũng tính. Rồi đến các tỉnh khác có tuyến đường sắt đi qua như Bắc Giang, Bắc Ninh cũng tính vào giá trị GRDP của mình… Tính trùng như vậy nên tăng trưởng của các địa phương luôn cao hơn tăng trưởng của toàn quốc cũng là điều dễ hiểu và đương nhiên điều này chưa phản ánh được sát với thực tiễn của tăng trưởng kinh tế ở mỗi địa phương, trong đó có Lạng Sơn.
Xây dựng nhà xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Phóng viên: Vậy cách tính mới sẽ có ưu điểm gì và đổi mới phương pháp biên soạn tổng sản phẩm nội tỉnh có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Lạng Sơn, thưa ông?
Ông Trần Lê Tuân: Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg phê duyệt đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mục tiêu là xây dựng và đưa vào áp dụng quy trình biên soạn số liệu GRDP theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn. Phương pháp và kỳ biên soạn các chỉ tiêu là những vấn đề cốt lõi trong nội dung đổi mới quy trình biên soạn GRDP. Số liệu GRDP sẽ được biên soạn theo phương pháp sản xuất (giá cơ bản) với các chỉ tiêu chủ yếu: tổng giá trị GRDP theo giá hiện hành và giá so sánh; cơ cấu giá trị tăng thêm theo giá hiện hành; tốc độ tăng GRDP theo giá so sánh.
Phương pháp mới sẽ loại trừ được các số liệu trùng lắp, đưa ra các con số tăng trưởng sát thực hơn. Như đã nói, đây là chỉ tiêu rất quan trọng để phân tích, hoạch định chiến lược, con số này có sát thực tiễn thì kế hoạch, chiến lược mới sát đúng, phù hợp. Thay đổi cách tính mới là để các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân thấy thực chất hiệu quả do mình làm ra. Từ đó các cấp, ngành sẽ có cơ sở để hoạch định kế hoạch một cách sát thực, phù hợp hơn.
Phóng viên: Xin ông cho biết lộ trình triển khai cách tính mới?
Ông Trần Lê Tuân: Tổng cục Thống kê đã rà soát, tính lại GRDP theo phương pháp mới từ năm 2010 và không tính chỉ tiêu tăng trưởng cho cấp huyện, đồng thời song hành với cách tính cũ (để có thể đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra). Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn toàn tính GRDP theo phương pháp mới; Cục Thống kê và các ngành hữu quan đã tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện. Theo lộ trình, từ năm 2017 trở đi, toàn bộ số liệu sẽ được cung cấp cho Tổng cục Thống kê và Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp tính GRDP cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()