Chủ nhật, 24/11/2024 13:13 [(GMT +7)]
Tình cảm và nghĩa cử của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ, người có công
Thứ 2, 26/07/2010 | 08:45:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Suốt 24 năm, từ năm 1945 đến 1969, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Bác Hồ luôn dành tình cảm yêu thương, quý trọng và nghĩa cử cao đẹp cho thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Ngày 27-7-1947, gửi thư cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên, Bác viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào… Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy”. Một năm sau, ngày 27-7-1948, Ngày Thương binh toàn quốc lần thứ hai, gửi thư cho đồng bào toàn quốc, Bác viết: “Các chiến sĩ liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào được sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở thành mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài liệt sĩ… Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”. Ngày 31-12-1954, đọc diễn từ tại buổi lễ đặt vòng hoa ở đài liệt sĩ Hà Nội, Bác nói: “Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng của toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên quyết đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”.
Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam – Ảnh: Tư liệu |
Yêu thương, quý trọng, biết ơn thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, trước khi “đi xa”, viết Di chúc, Bác căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự anh dũng hy sinh của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Không chỉ dành tình cảm đặc biệt cho thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, mà đối với họ, Bác còn có những nghĩa cử cao đẹp. Ngay trong ngày thương binh toàn quốc đầu tiên (27-7-1947), Bác đã tặng thương binh một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ biếu Bác, 1 tháng lương của Bác, 1 bữa ăn của Bác và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng. Trước đó, ngày 7-11-1946, Bác đã có một nghĩa cử làm xúc động mọi người, đó là việc Bác ban hành “Thông báo về việc nhận các con liệt sĩ làm con nuôi” và Bác đã gương mẫu nhận các con liệt sĩ làm con nuôi. Cũng trước ngày thương binh toàn quốc đầu tiên, tháng 1-1947, nghe tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh trong chiến đấu, nghĩa cử gửi thư chia buồn của Bác chẳng những làm xúc động gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng mà xúc động toàn dân ta: “Tôi được báo cáo rằng: con trai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên dường như tôi đứt một đoạn ruột”. Từ sau ngày thương binh toàn quốc đầu tiên, hầu như dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ năm nào, Bác cũng gửi thư, gửi 1 tháng tiền lương và quà cho thương binh.
Tình cảm và nghĩa cử của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi người Việt Nam.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()