1
89
5019558
116
Tình cảm sâu đậm của người dân tại Triển lãm ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/tinh-cam-sau-dam-cua-nguoi-dan-tai-trien-lam-anh-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-5019558.html
longform
Tình cảm sâu đậm của người dân tại Triển lãm ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cover

Không ít người dân đã không cầm được nước mắt khi xem lại 44 bức ảnh về cuộc đời đầy giản dị của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được trưng bày tại trụ sở Báo Nhân Dân.

Tình cảm sâu đậm của người dân

“Khi đến đây em thấy rất xúc động. Có rất nhiều bức ảnh ít được công bố” - Kim Anh quệt ngang nước mắt.

Bạn Hoàng Kim Anh tự đi xe máy từ thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh vào trung tâm Hà Nội để xem triển lãm. Em là một trong số 70 đoàn viên trực tiếp phục vụ trong lễ tang của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà. Nhà Kim Anh ở rất gần nhà cố Tổng Bí thư.

“Từ khi em còn bé xíu, ông đã hay về xóm chơi, chào bà con xóm giềng. Em cũng coi ông như là một người thân trong gia đình nên thường gọi là “ông Trọng” thôi, cho thân thương. Trong mấy năm gần đây, em ít nhìn thấy ông nữa. Nghe tin ông mất, mọi người trong xóm ai cũng thấy thương và xót. Nhắc lại em…” - Kim Anh nghẹn ngào.

Sáng 20/8/2024, sau khi ra mắt Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo có tâm, có tầm của Đảng, Báo Nhân Dân đã khai trương Triển lãm ảnh “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” tại trụ sở 71 Hàng Trống.

Triển lãm trưng bày 44 bức ảnh ấn tượng về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư qua các thời kỳ và lĩnh vực.

Trong hơn 5 ngày mở cửa (20/8-25/8/2024), triển lãm đã đón hơn 1.200 lượt khách tham quan.

Có rất nhiều người bắt xe từ xa đến.

Xem tivi, biết được Báo Nhân Dân tổ chức triển lãm ảnh về Tổng Bí thư, ông Lưu Hùng Tráng đã bắt xe bus từ xã Kim Trung, huyện Đông Anh đến 71 Hàng Trống. Ông đi từ 7h, tới nơi là 9h. Xếp hàng xem xong triển lãm, ông lại dành hai tiếng bắt xe trở về nhà.

Ảnh tràn viền

Ông Lưu Hùng Tráng bắt xe bus từ Đông Anh lên 71 Hàng Trống để xem triển lãm.

Trời nắng, ông Tráng chỉ đội một chiếc mũ cối, mặc một chiếc áo phông cũ, tiếng nói rời rạc: “Ông ấy là người gần gũi với nhân dân…Những hình ảnh đẹp mà được tuyên truyền thế này là được rồi…Thấy tự hào vì đất nước có một người lãnh đạo được nhân dân yêu quý như thế”.

Yêu nước: Nói là không đủ, phải làm nữa

Khi xem đến bức ảnh gia đình cố Tổng Bí thư gói bánh chưng xuân Kỷ Hợi (2019), chị Vương Khánh Huyền (Tây Hồ) bất ngờ nói: “Nhà của bác đơn sơ quá”.

Huyền đã dành nhiều thời gian đọc về tiểu sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi đến tham quan triển lãm. Chị cho rằng giới trẻ không cần phải tìm kiếm thần tượng ở quá xa như idol K-Pop hay các chính trị gia người Mỹ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương rất gần trong việc nhận định con người, định hướng bản thân.

Việc học tập theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không phải là học điều gì xa xôi cả mà là học để rèn luyện chính bản thân mình. Huyền nói: “Có một câu rất nổi tiếng trong “Thép đã tôi thế đấy” mà bác đã từng nói: “Sống sao cho khỏi xót xa ân hận”. Đó là thứ mình nghĩ là mình học được của bác. Quả thực, gần như 20 năm cuối đời bác đã cống hiến hết sức mình cho đất nước”.

Từ góc độ của một người trẻ, Huyền tin rằng những nhân vật lịch sử đương đại như cố Tổng Bí thư sẽ là nhắc nhở với thế hệ trẻ: Ngoài trách nghiệm với bản thân, mình phải có trách nghiệm với đất nước.

Ảnh tràn viền

Khánh Huyền đã dành nhiều thời gian để đọc về tiểu sử của cố Tổng Bí thư trước khi tới thăm triển lãm.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay. Mình tin là giới trẻ không chỉ nên quan tâm xem tân Tổng thống Mỹ là ai mà còn nên coi trọng xem là đất nước ta đang ở đâu. Ta có thể làm gì, thay đổi được được gì cho đất nước. Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số trẻ, thế nhưng chỉ qua một, hai mươi năm nữa thôi, nếu giới trẻ không cố gắng, không tiếp tục trau dồi thì sẽ không thể phát triển” - Huyền nói.

Tương lai của đất nước chính là động lực để giới trẻ phấn đấu sao cho xứng đáng với những gì cha ông để lại. “Trong đó, lời nói là không đủ, giới trẻ cần tạo ra những thành tựu cụ thể để đưa đất nước phát triển, đúng như con đường mà Bác Hồ, bác Trọng đã mong muốn” - Huyền bày tỏ.

“Lòng yêu nước không phải là điều gì to lớn đâu cô. Lòng yêu nước của các con học sinh chính là việc cố gắng học tập tốt” - cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình, Hà Nội nói.

Cô là giáo viên chủ nhiệm lớp 8A8. Đại diện cho trường, cô đưa 30 em học sinh tới tham quan triển lãm.

Cô Ngọc đưa học sinh đi xem từng bức ảnh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cô cho rằng giá trị của buổi triển lãm không chỉ nằm trong nửa tiếng hay 45 phút tham quan. Với chừng đó thời gian, “độ ngấm với các con là chưa thể sâu được”. Tác động lâu dài mà buổi triển lãm mang lại là những bức ảnh thực tế về một người lãnh đạo giản dị, liêm khiết mà người giáo viên sẽ có trách nhiệm bồi dưỡng và mở rông thêm. Khi xem tới bức ảnh gia đình của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một bạn học sinh nói với chị “Nhà bác còn giản dị hơn cả nhà con”.

“Nhiều khi người lớn cứ nghĩ là các bạn chỉ biết ăn, biết học nhưng không phải là trẻ con không biết gì. Chính những hình ảnh thực tế này sẽ giúp các con cũng hiểu về lòng yêu nước. Và lòng yêu nước này bắt đầu từ lòng biết ơn” - cô Ngọc bày tỏ.

Món quà của những người làm báo

“Cá nhân tôi rất thích triển lãm này. Có thể nói những khoảnh khắc lịch sử này đã thể hiện được tấm lòng của người báo dành cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” - PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.

44 tác phẩm trong triển không chỉ mang giá trị về nghiệp vụ mà còn là sự tận tâm của những phóng viên chuyên trách đã theo sát cố Tổng Bí thư trong suốt nhiều năm trời.

Ảnh tràn viền

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm.

Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nói: “Mới đây, Báo Nhân Dân đã ra chuyên trang về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với kho dữ liệu khổng lồ. Triển lãm này chính là một điểm nhấn lễ ra mắt, là một món quà mà những người làm báo muốn dành cho nhân dân cả nước”.

Xuất phát từ tình cảm đặc biệt của người dân trong lễ tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Báo Nhân Dân muốn tổ chức một triển lãm để người dân cả nước có thể nhìn lại hình ảnh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt nhiều năm làm việc.

“Đó là lý do chúng tôi lựa chọn ra 44 bức ảnh tiêu biểu, từ hình ảnh cá nhân, bạn bè thân thiết cho đến hoạt động gặp gỡ với các lực lượng, người dân. Con số 44 cũng là biểu tượng cho năm sinh của Tổng Bí thư” - Tổng Biên tập Lê Quốc Minh nói.

Bạn Nguyễn Huyền Trang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, giữa hàng loạt hoạt động về giải trí, nghệ thuật thì triển lãm về vị lãnh đạo có ấn tượng sâu sắc như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một điểm nhấn rất lớn để thế hệ trẻ quan tâm nhiều hơn đến tình hình đất nước và công cuộc xây dựng, phát triển quốc gia. “Cảm ơn Báo Nhân Dân vì một triển lãm rất tuyệt vời và xúc động như thế này” - Trang nói.

Ảnh tràn viền

Bạn Hoàng Kim Anh tự đi xe máy từ thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh vào trung tâm Hà Nội để xem triển lãm.

“Em rất biết ơn vì Toà soạn đã tổ chức buổi triển lãm này để mọi người có thể về đây và ngắm nhìn lại những hình ảnh đời thường của ông. Em cảm thấy rất hạnh phúc và hãnh diện khi được là người con của quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” - Bạn Hoàng Kim Anh bày tỏ trước khi đi xe máy về lại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.