Tỉnh Cà Mau tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cà Mau đang tập trung chú trọng phát triển các loại hình khác như du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng… hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tỉnh Cà Mau đang tập trung xây dựng Đề án phát triển du lịch đến năm 2025 theo hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh.
Đồng thời, địa phương chú trọng phát triển các loại hình khác như du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng… hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo đề án, tỉnh quan tâm đầu tư các tour, tuyến du lịch kết nối giữa Mũi Cà Mau-Sông Đốc-Hòn Đá Bạc và Phú Quốc (Kiên Giang); phát triển tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan-Campuchia-Rạch Giá-Cà Mau).
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó làm cơ sở triển khai quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, quy hoạch phân khu, chi tiết các khu chức năng trong Khu Du lịch Quốc gia, đảm bảo đến năm 2030 đủ điều kiện công nhận Khu Du lịch Quốc gia.
Mặt khác, tỉnh chủ động ngân sách để đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông đồng bộ và kết nối đến các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn. Cà Mau khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân trên các tuyến du lịch; phát triển khu dịch vụ du lịch tổng hợp, trung tâm mua sắm, dự án du lịch, giải trí quy mô lớn trên địa bàn nhằm thu hút khách du lịch lưu lại dài ngày.
Cà Mau tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá gắn với sản phẩm và thị trường; đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp của xúc tiến du lịch. Đặc biệt xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau gắn liền với vị trí địa lý là điểm cực Nam Tổ quốc cùng các hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương.
Liên quan đến phát triển du lịch, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là người đứng đầu nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Kế hoạch số 50-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu tập trung tuyên truyền sâu rộng để các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành Du lịch trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch…
Cà Mau quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về du lịch; bồi dưỡng cho nhân viên, người lao động của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn về kỹ năng nghề, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các cấp ủy, chính quyền, các ngành đã tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đó, lĩnh vực du lịch có bước phát triển rõ rệt và đạt được kết quả đáng khích lệ, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống người dân, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về phát triển du lịch của tỉnh chưa toàn diện, chưa đi vào chiều sâu. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cộng đồng về phát triển du lịch chưa đầy đủ. Việc lập quy hoạch phát triển du lịch còn chậm và chưa phát huy được lợi thế, điểm mạnh. Sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, không tạo dấu ấn để thu hút khách lưu lại và trở lại. Nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch…
Mặt khác, biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch. Kết cấu hạ tầng còn hạn chế, thiếu đồng bộ nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhân lực phục vụ hoạt động du lịch tại địa phương thiếu về số lượng và chưa được đào tạo nhiều. Hầu hết các khu vực có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái đều thuộc đất rừng nên gặp khó khăn trong khai thác hoạt động du lịch…/.
Ý kiến ()