Tin tưởng vào sự tín nhiệm của Trung ương
Một số cán bộ, đảng viên, nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự tín nhiệm của Trung ương trong việc giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là quyết định đúng đắn trong công tác nhân sự của lãnh đạo cao nhất Đảng, Nhà nước.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất tuyệt đối (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10 tới đây.
Thông tin này đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ và cho rằng ở thời điểm này, công cuộc hội nhập quốc tế càng ngày càng sâu rộng. Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thuận cả đối nội, đối ngoại cho sự phát triển đất nước.
Nhấn mạnh đến con số 100% Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, ông Nguyễn Túc – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Điều này mang rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, ở nước ta trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch nước.
“Điều này rất đáng mừng vì đã có sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng, thống nhất quan điểm cao trong Trung ương. Sự giới thiệu này đã khẳng định một điều cứ là nhân tài thì dù ở bất cứ vùng miền nào, cứ tiêu biểu cho trí tuệ, chí công vô tư, tiêu biểu cho sức chiến đấu của Đảng ta sẽ được nhân dân đồng thuận” – ông Nguyễn Túc nói.
Mừng thứ hai với việc nhất trí cử đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về thu gọn bộ máy, nếu phương án Tổng Bí thư – Chủ tịch nước được thực hiện sẽ làm gương cho các địa phương thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND.
Mừng thứ ba là với một con người như Tổng Bí thư – nhiều đồng chí lãnh đạo thừa nhận tiêu biểu cho phẩm chất cần kiệm liêm chính, chí công vô tư được bầu làm Chủ tịch nước thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp, như lời Tổng Bí thư từng nói: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Việc Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước không phải là mới. Từ Đại hội XI và XII, Đảng đã bàn về vấn đề này. Tuy nhiên lúc đó chưa thuận tiện để thực hiện. Thời điểm này, công cuộc hội nhập quốc tế càng ngày càng sâu rộng, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thuận cả đối nội, đối ngoại.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông: “Nếu nhìn ra thế giới Trung Quốc đã làm từ lâu, Lào, Cuba cũng làm…. Hơn nữa, trong văn kiện Đảng đã hướng dẫn, quyết định Bí thư cấp ủy các cấp đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Chúng ta đã tiến hành ở cấp xã, huyện và tỉnh. Lần này tiến hành ở cấp Trung ương càng tạo ra sự đồng bộ theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng gần đây, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 và 7”.
Cùng quan điểm này, Đại tá Đỗ Xuân Đán, nguyên Trưởng Phòng Tài chính Quân khu 9 cho rằng: Đảng, Nhà nước đã có chủ trương rất rõ ràng vế vấn đề tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả, hiệu lực. Chính vì vậy, tất cả các vị trí cán bộ cũng phải thống nhất lại, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền duy nhất. Khi Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước sẽ giảm đi bớt đầu mối, tạo ra tính trực tiếp, liên thông trong công tác lãnh, chỉ đạo. Tổ chức lại cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước bản chất vừa củng cố Đảng vừa củng cố Nhà nước, đảm bảo kiểm soát quyền lực ngay trong lòng quyền lực là điều quan trọng.
Ông Lê Ngọc Tùng
Ấn tượng với những gì Tổng Bí thư đã làm được trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, ông Lê Ngọc Tùng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (thành phố Hà Nội) bày tỏ đồng tình với quyết định của Ban Chấp hành Trung ương về việc giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Theo ông, khi người đứng đầu Đảng cũng là người đứng đầu Nhà nước, việc điều hành các công việc của đất nước, nhất là các vấn đề liên quan đến phát triển đất nước về kinh tế – xã hội nói chung sẽ thuận lợi hơn trong tình hình mới. Đất nước sẽ có bước hội nhập và phát triển tốt hơn.
“Hơn nữa, qua những vụ việc lớn được xử lý vừa qua đã củng cố niềm tin của quần chúng, đảng viên và nhân dân trong cả nước. Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, Tổng Bí thư sẽ chỉ đạo, làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, cũng như góp phần trong công tác đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước” – ông Tùng nói./.
Ý kiến ()