Tín ngưỡng, tôn giáo là quyền tự do của “mọi người”
Trong dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã mở rộng phạm vi chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ "công dân" thành "mọi người" - khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản, đã được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm trong Hiến pháp năm 2013.
Đây là một trong nhiều nội dung quan trọng tại dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày trước Quốc hội, sáng 29-10. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 sẽ được luật hóa tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và sẽ thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ năm 2004.
Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cần một cơ sở pháp lý đầy đủ hơn…
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, qua tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn những bất cập do các quy định chưa phù hợp tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và có những vấn đề phức tạp phát sinh. Một số quy định của Pháp lệnh còn thiếu cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người như quy định về hoạt động tín ngưỡng, đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, hoạt động quốc tế…
Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong Pháp lệnh như vấn đề tổ chức tôn giáo ở Việt Nam gia nhập tổ chức tôn giáo quốc tế; việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho người có quốc tịch nước ngoài hoạt động cho tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; việc người nước ngoài vào tu tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam,… chưa được quy định đã gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân tôn giáo trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như quy định tại Điều 24 của Hiến pháp năm 2013.
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động tôn giáo trên thế giới rất đa dạng đã đặt ra yêu cầu phải có một đạo luật để điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp với Hiến pháp mới và tương thích với các điều ước quốc tế.
Luật hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Theo đó, Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Dự thảo Luật gồm 11 chương, 11 mục và 68 điều.
Dự thảo Luật cũng quy định chi tiết các nội dung liên quan đến người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; đăng ký hoạt động tín ngưỡng hằng năm; tổ chức lễ hội tín ngưỡng. Riêng đối với hoạt động tín ngưỡng diễn ra hằng năm, dự thảo đã quy định theo hướng chỉ đăng ký lần đầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có sự phối hợp, hỗ trợ khi các hoạt động tín ngưỡng diễn ra. Ngoài ra, đối với những hoạt động tín ngưỡng ngoài chương trình đăng ký sẽ được đăng ký bổ sung với UBND cấp xã nơi diễn ra hoạt động tín ngưỡng.
Dự thảo Luật cũng quy định về sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của những nhóm người có nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo nhưng chưa có tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Theo đó, để đăng ký sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo cần đáp ứng các điều kiện nhất định. Và dự thảo cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục; hoạt động tôn giáo của tổ chức sau khi được cấp đăng ký; đồng thời cũng có quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thu hồi đăng ký hoạt động tôn giáo.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, để cụ thể hóa quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo được ghi nhận tại Hiến pháp 2013, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định cụ thể về nội hàm của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các cách thức thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách của nhà nước thể hiện sự tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các quy định cụ thể của dự thảo Luật cơ bản tạo lập cơ chế để ghi nhận và bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch sinh sống và làm việc trong lãnh thổ Việt Nam, góp phần bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã bước đầu cụ thể hóa nguyên tắc giới hạn quyền con người quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp trong các quy định về hành vi ngăn cấm trong hoạt động tôn giáo dành cho cả tổ chức tôn giáo, cá nhân, cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, các điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức tôn giáo, đăng ký sinh hoạt, hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ cũng được quy định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm tính minh bạch cho hoạt động của các tổ chức tôn giáo cũng như quản lý nhà nước, hạn chế can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Do đó, dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị.
Thẩm tra dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đa số thành viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc sự cần thiết ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại thời điểm này vì cho rằng, dự thảo Luật cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để giải quyết đầy đủ những vấn đề căn bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Trong điều kiện hiện nay, lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nên được điều chỉnh thông qua các luật khác.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()