Tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo tại Lạng Sơn: Giá trị và câu chuyện bảo tồn, phát huy
– Trải qua quá trình giao lưu và tiếp xúc văn hóa, hiện nay, Lạng Sơn là một trong những nơi phát triển tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc, trong đó có danh tướng Trần Hưng Đạo. Để phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của tín ngưỡng, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, ngành văn hóa tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực.
Một ngày cuối tháng 3/2023, chúng tôi có dịp đến tham quan di tích cấp Quốc gia đền Cửa Tây, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Đây là một trong những di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thờ danh tướng Trần Hưng Đạo. Ông Triệu Hồng Đa, Trưởng Bộ phận thường trực di tích đền Cửa Tây cho biết: Đức Thánh Trần Hưng Đạo là một vị phúc thần che chở về mặt tâm linh, có công lao to lớn bảo vệ Tổ quốc, chống giặc ngoại xâm. Với sự tôn kính đối với bậc danh tướng này, chúng tôi hằng ngày vẫn thường đến thắp hương, quét dọn đảm bảo không gian di tích sạch sẽ. Ngoài ra, bất kỳ ai đến đây tham quan, chúng tôi cũng tuyên truyền về giá trị của di tích và những công trạng của Đức Thánh Trần…
Đại diện bộ phận thường trực di tích đền Cửa Tây, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn giới thiệu về danh tướng Trần Hưng Đạo cho khách tham quan
Không riêng di tích đền Cửa Tây, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, theo thông tin của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có gần 70 cơ sở thờ tự (đền) trực tiếp hoặc phối thờ (có ban thờ) thờ danh tướng Trần Hưng Đạo, tập trung chủ yếu ở thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Bình Gia, Tràng Định… Về thời gian xuất hiện, theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, tín ngưỡng này có mặt ở Lạng Sơn từ khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu, ngay từ khi du nhập đã có sự ảnh hưởng rõ nét vào đời sống văn hóa tâm linh của đại đa số người dân Xứ Lạng.
Tín ngưỡng thờ danh tướng Trần Hưng Đạo là một hình thức tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, được hình thành qua quá trình thần thánh hóa một nhân vật có thật trong lịch sử. Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu ruột vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Trong ba lần quân và dân Đại Việt tiến hành cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ XIII, Trần Hưng Đạo có vai trò đặc biệt quan trọng. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần còn thờ các vị tướng nhà Trần gắn liền với công cuộc chống ngoại xâm Nguyên – Mông như: Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão…
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn cho biết: Tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo tại Lạng Sơn ngoài giá trị tâm linh còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của con người Xứ Lạng, tôn trọng công lao đóng góp của các thế hệ tiền nhân, đồng thời, thông qua tín ngưỡng này thể hiện tinh thần yêu nước, đề cao ý chí bảo vệ Tổ quốc của lớp lớp người dân Xứ Lạng. Với những ý nghĩa cao đẹp như vậy, tín ngưỡng này đã ăn sâu vào tiềm thức dân gian của đại đa số người dân Lạng Sơn.
Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo tại Lạng Sơn, trong những năm qua, Sở VHTT&DL đã có nhiều việc làm thiết thực. Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2019, Sở VHTT&DL đã tổ chức 3 chương trình giao lưu diễn xướng nghi lễ hầu đồng tỉnh Lạng Sơn mở rộng, thu hút 75 nghệ nhân, thanh đồng trong và ngoài tỉnh tham gia. Trong khuôn khổ chương trình có trình diễn hầu đồng Đức Thánh Trần. Bên cạnh đó, sở đã tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo đến với du khách trong và ngoài tỉnh trên trang thông tin du lịch của tỉnh và lồng ghép trong các sự kiện như: tuần văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ… Ngoài ra, sở đã hướng dẫn UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng, hoàn thiện hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh đối với một số di tích thờ Trần Hưng Đạo trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, năm 2022, đền Trần xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn, trong đó bao gồm các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về giá trị của các loại hình tín ngưỡng dân gian đặc sắc tại Lạng Sơn gồm cả tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, tư liệu về giá trị của tín ngưỡng này đối với Lạng Sơn để có hướng bảo tồn phù hợp.
Ý kiến ()