Tín hiệu vui từ mô hình “6 cộng 1”
LSO-Từ đầu năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã và đang triển khai thực hiện mô hình “6 cộng 1” giai đoạn 2017 – 2020 về tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng cơ sở đoàn, thông qua hoạt động đi cơ sở của cán bộ Tỉnh đoàn và khuyến khích vận dụng đối với cán bộ đoàn cấp huyện và cấp xã. Mặc dù mới được triển khai, song bước đầu mô hình đã cho thấy hiệu quả thiết thực.
Đoàn viên Câu lạc bộ Thầy thuốc huyện Cao Lộc khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc |
Mô hình “6 cộng 1” được hiểu là trong tuần có 7 ngày, cán bộ đoàn sẽ dành 1 ngày hoạt động tại cơ sở; qua đó, nhằm tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng cơ sở đoàn; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo chuyển biến trong hoạt động của cơ sở đoàn, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đoàn còn yếu, kém, trung bình; đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện thực tiễn cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ trong diện quy hoạch.
Anh Nguyễn Viết Chung, Trưởng Ban Tổ chức – Kiểm tra Tỉnh đoàn cho biết: Thực hiện mô hình “6 cộng 1” từ đầu năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn đã cử cán bộ đến hơn 100 xã, phường, thị trấn trong tỉnh để dự, giám sát chỉ đạo đại hội đoàn tại cơ sở. Cụ thể, các đồng chí trực tiếp hướng dẫn các đơn vị đoàn tiến hành đại hội như: cách tổ chức, sắp xếp maket, nhân sự, bầu trực tiếp, bỏ phiếu… Cho đến nay, hầu hết các đơn vị có cán bộ xuống trực tiếp chỉ đạo đã tổ chức đại hội thành công tốt đẹp, mang lại hiệu quả bước đầu khi thực hiện mô hình này.
Ngoài ra, cán bộ còn tiếp thu ý kiến của cơ sở, giải thích cho cơ sở rõ về những chủ trương của đoàn cấp trên và các vấn đề liên quan; kiểm tra công tác đoàn vụ; góp ý với cơ sở, chỉ rõ những yếu kém cần rút kinh nghiệm. Cán bộ đoàn được cử xuống cùng bí thư đoàn cơ sở gặp gỡ lãnh đạo xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị; dự sinh hoạt chi đoàn hoặc các hoạt động tập thể của cơ sở; nói chuyện thời sự, hướng dẫn kỹ năng công tác cho cán bộ cơ sở… Những cán bộ được cử đi cơ sở phải báo cáo bằng văn bản với Thường trực Tỉnh đoàn về tình hình tổ chức, cán bộ, đoàn viên, thanh niên và những giải pháp, biện pháp xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đoàn; trao đổi với các ban chuyên môn, các huyện, thành đoàn, đoàn trực thuộc để giải quyết những kiến nghị của cơ sở nếu có.
Anh Hoàng Văn Lực, cán bộ Ban Tổ chức – Kiểm tra Tỉnh đoàn chia sẻ: Là cán bộ được phân công đi cơ sở, nhất là đến vùng sâu, vùng xa, tôi thấy được trách nhiệm mà cấp trên giao. Cụ thể, tại Đoàn xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng, tôi đã trực tiếp tham gia hướng dẫn ban chấp hành đoàn xã soạn, sửa văn kiện đại hội đoàn, cùng ban chấp hành đoàn xã tham mưu, đề xuất với đảng ủy xã xin mặt bằng kẻ sân bóng đá, tạo sân chơi cho đoàn viên, thanh niên trong xã. Tôi cũng tiếp thu ý kiến của đoàn viên đề xuất tăng nguồn vốn vay, tạo điều kiện để nhiều thanh niên vay vốn phát triển kinh tế… Qua đó, những vấn đề gì thuộc trách nhiệm của mình thì tôi sẽ hướng dẫn, giải quyết, nếu ngoài thẩm quyền, tôi tiếp thu để báo cáo cấp trên. Tôi nhận thấy rằng, cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, nhất là những cán bộ trẻ như chúng tôi sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm như điều hành, tổ chức, giải quyết công việc, thông qua đó chúng tôi sẽ trưởng thành hơn.
Anh Vi Văn Thái, nguyên Bí thư Đoàn xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc chia sẻ: Đại hội đoàn xã kỳ này khác với những kỳ đại hội trước là có cán bộ Tỉnh đoàn xuống dự và chỉ đạo, vì vậy tạo không khí trang trọng hơn. Trong quá trình đại hội, vướng mắc ở khâu nào, chúng tôi hỏi trực tiếp cán bộ ở đó nên đại hội đã diễn ra thuận lợi và thành công tốt đẹp.
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()