Tín hiệu vui ở Cao Lộc
LSO-Trong khi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) năm nay ở nhiều địa bàn trong tỉnh gặp khó thì Cao Lộc lại tổ chức thực hiện khá hiệu quả – ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH khẳng định.
Hướng dẫn người khuyết tật trên địa bàn học nghề làm chổi chít |
Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Cao Lộc đã mở được 9 lớp nghề cho trên 300 học viên. Các nghề được đào tạo chủ yếu về: sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học, làm chổi chít…
Bà Lý Thị Thoa, thôn Nà Bó, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc chia sẻ: “Tôi mới học xong lớp dạy nghề chăn nuôi lợn thịt do Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cao Lộc tổ chức đầu tháng 9/2017. Được học tập phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi mới nên tôi đã mua 2 con lợn để thực hành chăn nuôi. Tính ra trung bình mỗi tuần mỗi con lợn tăng lên được1 kg. Cứ đà này thì chẳng mấy chốc mà tôi xuất được lứa lợn”.
Bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện cho biết: Để có được kết quả trên, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Phòng LĐTB&XH, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền về công tác dạy nghề. Hình thức tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp của UBND huyện, xã và tại các khu dân cư. Trong khi tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dạy nghề, chúng tôi đều gắn với tư vấn trực tiếp, công khai điều kiện học, chất lượng giảng dạy, nền nếp, thành tích của trung tâm. Ở những xã có chương trình mở lớp, chúng tôi đều phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo xã, các ban, hội đoàn thể để tạo điều kiện cho lớp học tổ chức ở nhà văn hóa giúp người dân vừa học tập, vừa sản xuất. Nhất là phải đảm bảo chế độ học tập cho người học đầy đủ, nhanh chóng để khích lệ người dân tham gia học tập.
Bên cạnh đó, trung tâm đảm bảo 100% giáo viên dạy nghề đều đúng chuyên môn, có chứng chỉ sư phạm và thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ. Đáng chú ý là ngoài kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, trung tâm yêu cầu cán bộ, giáo viên phải am hiểu thực tiễn nông thôn, nắm vững tâm lý của người dân để đáp ứng yêu cầu đặc thù của lớp nghề nông thôn.
Trung tâm duy trì liên kết với nhiều cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh như: Cao đẳng Nghề Lạng Sơn, Cao đẳng Nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc, Cao đẳng Xây dựng số 1 Hà Nội, Cao đẳng Luyện kim Thái Nguyên… để tuyển sinh thêm nhiều ngành nghề, vừa đáp ứng nhu cầu học của LĐNT, vừa định hướng cho LĐNT ngành nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội. Do đó, không những tận dụng được máy móc, trang thiết bị dạy nghề của các đơn vị liên kết đào tạo, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cao Lộc còn phát huy được lợi thế có 2 cơ sở đào tạo với trang thiết bị đầy đủ. Mặt khác, trung tâm tích cực phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn, Trung tâm Dịch vụ Việc làm của tỉnh để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, vị trí việc làm phù hợp để có thể đảm bảo đầu ra cho người dân sau khi học nghề.
Bà Phương cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm 2017, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cao Lộc phấn đấu tổ chức thêm 3 lớp nghề cho LĐNT, vượt 2 lớp so với chỉ tiêu được giao năm 2017.
THANH HÒA
Ý kiến ()