Tín hiệu vui nơi biên giới
LSO-Ngày 31/7/2009, Bộ Chính trị có Kết luận số 264 về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó đến nay hàng Việt đã làm thay đổi tâm lý tiêu dùng của người dân Xứ Lạng. Nhiều mặt hàng ngoại đã mất dần vị thế để nhường chỗ cho hàng Việt.
Người dân mua sắm hàng Việt Nam tại hội chợ xuân 2017 |
Hàng Việt thắng dần tại chợ biên
Đầu năm 2017, chúng tôi thăm cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng thì được chứng kiến một chi tiết vui về hàng Việt. Một đoàn cư dân biên giới gánh bia, mỳ tôm qua Trung Quốc bán. Anh Nguyễn Văn Minh, Công ty Thiên Lộc Văn Lãng cho biết: Việc này đã diễn ra từ mấy năm nay; bột giặt, bia, bánh kẹo, kể cả thịt, cá sạch của Việt Nam bán rất chạy ở biên giới.
Chợ Tân Thanh trước đây là thiên đường hàng Trung Quốc thì giờ đây hàng Việt đã thế chỗ khá nhiều. Khách mua hàng không chỉ riêng cư dân biên giới mà có cả người Việt đến từ mọi miền. Trong chợ, hàng nước bạn sản xuất nhiều nhưng không thể cạnh tranh được hàng Việt như: bia chai, thuốc lá, bánh đậu xanh, kẹo dừa, mỳ tôm, nước mắm và rất nhiều hoa quả sạch… Anh Hoàng Văn Nhật, trú tại xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng tâm sự: “Ngày nào tôi cũng gánh bia sang Trung Quốc để bán cho lao động làm ăn tại cửa khẩu, gần đây cả người Trung Quốc cũng thích hàng Việt Nam”, theo anh Nhật, các quán ăn bên nước bạn đều bày bán hàng Việt.
Tại các chợ huyện biên giới như: Đình Lập, Lộc Bình, Na Sầm, Thất Khê, Đồng Đăng… không riêng gì rượu, bia thuốc lá mà hàng may mặc của các thương hiệu Việt như: may Nhà Bè, Việt Tiến, May 10, đồ da Sài Gòn, thậm chí là một số đồ điện máy cũng chiếm ưu thế. Chị Hoàng Thị Bẩy, bán quần áo tại chợ Đồng Đăng cho biết: “Rất nhiều quần áo bị làm giả từ nước bạn, họ đóng mác sản xuất tại Việt Nam… nhưng chất lượng không bằng hàng Việt”.
Tiếp sức hàng Việt
Bà Nông Thị Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Lạng Sơn cho biết: Có được kết quả ấy là sự nỗ lực của rất nhiều các ban, ngành. Ban chỉ đạo đã phối, kết hợp tuyên truyền, vận dụng nhiều hình thức để quảng bá hàng Việt. Tăng cường quản lý nhà nước chống hàng nhái, hàng giả. Liên tục mở các hội chợ hàng Việt về nông thôn. Một số hàng Việt, trong đó có cả nông sản, hàng tiêu dùng, may mặc, da giầy chất lượng giá cả đã đủ sức cạnh tranh.
Là một tỉnh biên giới, hàng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại. Ngay khi Bộ Chính trị có Kết luận 264, Lạng Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Đến nay, 11/11 huyện thành đã có ban chỉ đạo. Các ban chỉ đạo đã tổ chức trên 100 cuộc tập huấn, tuyên truyền lồng ghép đến trên 10 nghìn lượt người về hàng Việt. Phong trào vận động nhân dân ở cơ sở đều có nội dung ưu tiên dùng hàng Việt. Cũng theo Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh, đối tượng tập trung tuyên truyền là phụ nữ, đã có trên 200 nghìn lượt phụ nữ được tuyên truyền tiêu dùng các sản phẩm hàng Việt, vì thế mức độ tiêu thụ hàng Việt ngày càng nhiều.
Đây cũng là lý do các chợ tại thành phố Lạng Sơn hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao. Các loại hàng hóa như: may mặc, đồ nhựa, đồ gia dụng, hàng gia công, thực phẩm đồ uống của các thương hiệu nổi tiếng như: Song Long, may Nhà Bè, Việt Tiến, bia Hà Nội… được tiêu thụ rất mạnh. Chị Nguyễn Thị Tâm, bán hàng điện máy tại đường Trần Đăng Ninh cho biết: “5 năm trở lại đây hàng điện máy Trung Quốc đã ít dần đi bởi các thương hiệu hàng Việt chiếm được thị phần như: ti vi các loại, quạt điện, đầu thu kỹ thuật số… Đặc biệt, hàng Việt Nam bảo hành tốt hơn so với hàng ngoại nên rất hút khách”. Ở các chợ quê, hàng Việt chiếm ưu thế bởi cùng cuộc vận động là chính sách đưa hàng Việt về nông thôn. Tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 2/2017, toàn tỉnh đã vận động 1.518 doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch điện tử với trên 11.000 sản phẩm hàng Việt. Tổ chức 19 hội chợ với gần 2.000 gian hàng, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.
Lạng Sơn là tỉnh biên giới, nhưng hàng Việt đã có sức lan tỏa. Người dân chủ động đến với hàng Việt và đây cũng là tín hiệu vui của cuộc vận động dùng hàng Việt nơi địa đầu Tổ quốc.
NGUYỄN NHẬT ANH
Ý kiến ()