Tín hiệu vui khi thực hiện xã hội hóa nghề rừng ở Gia Lai
Chủ trương xã hội hóa nghề rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang phát huy vai trò là nguồn lực mới phục vụ hiệu quả nhu cầu cấp thiết của ngành lâm nghiệp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Chính sách này không chỉ góp phần từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng các đối tượng được hưởng lợi từ rừng từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số làm nghề rừng.
Trong 3 năm qua, tỉnh Gia Lai đã thu được hơn 133 tỷ đồng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng từ hai đối tượng, gồm các cơ sở sản xuất thủy điện với mức 20 đồng/kWh điện thương phẩm và cơ sở sản xuất, cung cấp nước sạch với mức 40 đồng/m 3 nước thương phẩm. Từ nguồn thu này, tỉnh đã chi trả hơn 103 tỷ đồng cho 37 chủ rừng là tổ chức nhà nước, 90 xã và 7 cộng đồng dân cư thôn. Hộ nhận khoán thuộc lưu vực các dòng sông Sê San, Sêrêpôk được chi trả mức 200.000đồng/ha/năm và lưu vực sông Ba mức 265.000đồng/ha/năm. Nguồn kinh phí này là động lực to lớn hỗ trợ tích cực cho các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bổ sung thêm nguồn lực quan trọng cho cấp xã tăng cường tổ chức giám sát các diện tích rừng trên địa bàn mình quản lý. Đặc biệt chính sách này còn góp phần tạo thêm nguồn thu giúp ổn định đời sống cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các cộng đồng dân cư thôn, làng tạo được sự đồng tình ủng hộ sâu rộng trong nhân dân.
Gia Lai có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 1,1 triệu ha, trong đó hơn 720.000 ha đất có rừng với độ che phủ được duy trì ở mức 45%. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích gần 64.000 ha. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng, với phương châm “lấy rừng, nuôi rừng” là tín hiệu vui mang lại nguồn tài chính quan trọng bổ sung cùng với nguồn ngân sách của địa phương thúc đẩy phát triền ngành lâm nghiệp góp phần hướng đến mục tiêu ổn định và bảo vệ các cánh rừng bền vững trong tương lai.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()