Tín hiệu vui của du lịch Việt Nam
Những ngày đón Tết Ất Tỵ 2025, các thành phố và trung tâm du lịch trong cả nước đều ghi nhận lượng khách du lịch tăng cao, tạo đà cho sự phát triển trong năm.
Trước đó, ngành du lịch các địa phương đều chuẩn bị cho dịp cao điểm đón khách với nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ và chương trình phục vụ đặc sắc.
Bên cạnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam đông trong dịp Tết Nguyên đán, một trong những nguyên nhân khiến khách tăng và hoạt động kinh doanh du lịch sôi động là do kỳ nghỉ Tết kéo dài chín ngày. Từ ngày 25/1 đến 29/1 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 1 tháng Giêng năm Ất Tỵ), ước tính Hà Nội đón khoảng 529,78 nghìn lượt khách du lịch, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 73,28 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 22,37% và 456,5 nghìn lượt khách trong nước và tiếp tục tăng cao trong hai ngày Tết vừa qua.
Các điểm du lịch như Hoàng thành Thăng Long, Văn MiếuQuốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Hà Nội, di tích nhà tù Hỏa Lò, di tích 22 Hàng Buồm, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đã đông kín khách tham quan từ ngày mồng 1 Tết.
Trong những ngày này, nhiều di tích đã mở cửa xuyên Tết và miễn phí cho du khách tham quan trải nghiệm, góp phần tạo sức hút lớn. Trước đó, Sở Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện rà soát, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Cũng như Hà Nội, lượng khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cao trong ba ngày Tết. Dịp Tết năm nay, do tuyến tàu điện Metro đi vào hoạt động đã thu hút đông nhân dân và du khách trải nghiệm.
Theo Lữ hành Saigontourist, từ ngày 23 tháng Chạp đến mồng 10 tháng Giêng, công ty sẽ phục vụ khoảng hơn 20.000 khách, bao gồm khách Việt Nam, Việt kiều, khách quốc tế và du khách đi du lịch bằng đường biển, đường sông và hàng không. Ngày mồng 1 Tết, Saigontourist đã đón tàu biển Celebrity Solstice với 3.000 du khách từ Mỹ, Canada, Anh, Australia… đến khám phá Đà Nẵng, Hội An, Huế. Sau đó, đoàn sẽ tiếp tục tham quan Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu trước khi rời Việt Nam vào tối mồng 3 tháng Giêng.
Sáng mồng 1 Tết, tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và tại khách sạn The Watson Premium Halong (phường Bãi Cháy), thành phố Hạ Long tổ chức đón các đoàn khách du lịch đầu tiên đến “xông đất” thành phố Hạ Long, du khách chủ yếu đến từ Trung Quốc và Malaysia, trong đó có 600 khách các nước châu Âu, châu Mỹ trên tàu Silver Dawn.
Các đoàn khách khi đặt chân lên Hạ Long đã được đón chào nồng nhiệt bằng màn múa lân sư rồng sôi động, được nhận hoa, lì xì và những lời chúc Tết của lãnh đạo thành phố. Theo thông tin từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, riêng trong hai ngày mồng 1 và mồng 2 Tết, có khoảng 12.500 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhiều tàu nghỉ đêm kín phòng, công suất trung bình của đội tàu nghỉ đêm đạt 80 đến 90%. Cũng trong sáng cùng ngày, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã đón 350 khách du lịch đầu tiên “xông đất” năm mới nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Dự kiến, cửa khẩu sẽ đón hơn 12.000 lượt khách du lịch nhập cảnh qua thành phố Móng Cái để tham quan du lịch tại một số địa điểm của tỉnh Quảng Ninh và Việt Nam. Khu di tích đặc biệt quốc gia Yên Tử đã đón hơn 8.000 lượt khách trong hai ngày Tết, tăng từ 40 đến 50% so với ngày thường và dự kiến tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo.
Ngày 31/1, hàng nghìn du khách đã trảy hội chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và dự Lễ hội Khán hoa mẫu đơn. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, diễn ra từ mồng 3 đến 5 tháng Giêng, trong đó mồng 4 tháng Giêng là ngày chính hội.
Lễ hội có các hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân, phật tử vào tối mồng 5 tháng Giêng bên cạnh các hoạt động phần hội, có biểu diễn văn nghệ hát quan họ trên thuyền, thi đấu bóng chuyền hơi và các trò chơi dân gian…
Từ ngày 25/1 (26 tháng Chạp) đến 30/1 (mồng 2 Tết), các khu di tích quốc gia đặc biệt, các di tích và danh thắng quốc gia, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đón hàng chục nghìn khách tham quan, dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu chúc cho gia đình một năm an lành, hạnh phúc. Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc đã đón gần 30.000 lượt khách.
Hai khu di tích quốc gia đặc biệt là Cụm di tích đền Xưa, chùa Giám, đền Bia; Văn miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng) đón hơn 7.000 du khách. Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương thuộc thị xã Kinh Môn đón gần 7.000 lượt du khách.
Những ngày Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân và du khách đã nô nức du xuân, cầu may ở các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ngoài các điểm du lịch tâm linh, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại huyện Lệ Thủy, Đền tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đường 20 Quyết thắng, hang Tám Cô ở huyện Bố Trạch… cũng là những điểm đón đông du khách thăm viếng dịp đầu xuân, tri ân những đóng góp, hy sinh của thế hệ đi trước.
Ngày 29/1 (mồng 1 Tết), Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã tổ chức đón các đoàn khách du lịch đầu tiên “xông đất” năm Ất Tỵ với nhiều chương trình hấp dẫn, mang đậm hương vị Tết cổ truyền Việt Nam. Riêng ngày này, thành phố đã đón hơn 140 chuyến bay nội địa và quốc tế, với khoảng 20.000 lượt khách cùng 800 khách du lịch đến bằng đường biển trên du thuyền Crystal Symphony.
Tại Huế, rất đông khách du lịch quốc tế đã đến Quần thể Di tích cố đô Huế. Dự kiến trong chín ngày nghỉ Tết, Huế sẽ đón 130.000 lượt khách tham quan, cao hơn năm ngoái khoảng 20.000 lượt. Tổng khách lưu trú ước tính đạt hơn 76 nghìn lượt, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong ngày mồng 1 Tết, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ đón chuyến bay thẳng trực tiếp đầu tiên đưa khách đến từ châu Âu. Tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, lượng du khách du xuân khá lớn, từ sáng mồng 3 Tết, lượng du khách phía nam tấp nập đổ về Đà Lạt theo hướng Quốc lộ 20. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, hàng loạt điểm du lịch, tham quan trên địa bàn thành phố như Vườn hoa thành phố, Thung lũng Tình yêu, Ga Đà Lạt, Dinh Bảo Đại, Chuyện của nắng, Thị trấn Tuyết, Cáp treo Đà Lạt, thác Datanla… rất đông du khách tham quan, chụp ảnh.
Công suất phòng lưu trú tại thành phố đạt khoảng 85%, không có tình trạng “cháy” phòng khách sạn và mức giá lưu trú không tăng quá cao so với ngày thường. Sáng mồng 1 Tết, Sở Du lịch Bình Định phối hợp Ga Diêu Trì tổ chức lễ đón 39 vị khách du lịch đầu tiên trên chuyến tàu SE4 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Định dịp đầu năm mới Ất Tỵ. Trong ba ngày Tết vừa qua, đã có 72 chuyến tàu đi/đến Ga Diêu Trì (trung bình 14 chuyến/ngày).
Lượng khách đến các tỉnh miền nam cũng tăng trong những ngày Tết Nguyên đán. Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, từ ngày 25/1 đến 30/1 (26 tháng Chạp đến mồng 2 Tết Ất Tỵ), khách tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 276.600 lượt, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Trong đó, lượt khách đến với Khu Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh núi Bà Đen ước đạt 270 nghìn lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024.
Doanh thu du lịch trong sáu ngày ước đạt gần 226 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Tại tỉnh An Giang, khu du lịch núi Cấm thuộc dãy Thất Sơn đã đón khoảng 10.000 khách du xuân trong những ngày qua. Ở Cà Mau cùng nhiều điểm du lịch sinh thái cộng đồng như: U Minh hạ, Đầm Thị Tường, Thư Duy... đã đón hơn 35.000 lượt khách.
Ngày 29/1 (mồng 1 Tết), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên dịp Xuân Ất Tỵ. Đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã trao hoa và quà đặc trưng của địa phương tặng các du khách. Dịp này, ngành du lịch tỉnh tổ chức nhiều hoạt động phục vụ du khách như đi tàu trên sông, thưởng thức bánh mứt Tết, thưởng thức trình diễn Flyboard trên nhánh sông Cổ Chiên.
Lượng khách tăng trong dịp Tết là những tín hiệu vui của du lịch Việt Nam khởi đầu năm mới Ất Tỵ 2025 với nhiều kỳ vọng. Năm nay, ngành du lịch nước ta đặt mục tiêu đón 22 đến 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120 đến 130 triệu lượt khách trong nước, tổng thu từ du lịch phấn đấu đạt khoảng 980 nghìn đến 1.050 nghìn tỷ đồng.
Ý kiến ()