Tín hiệu vui cho vay sản xuất kinh doanh
LSO-Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Lãng đang cho vay 12 chương trình vốn ưu đãi của Chính phủ. Trong đó, cho vay đối với các hộ dân sản xuất kinh doanh (SXKD) tại vùng đặc biệt khó khăn là một trong những chương trình có dư nợ lớn được thực hiện hiệu quả trên địa bàn huyện.
Người dân xã Hoàng Việt sử dụng nguồn vốn phát triển cây hồng Vành khuyên
Huyện Văn Lãng có 17/20 xã thuộc vùng khó khăn. Để góp phần thúc đẩy sản xuất ở các xã vùng khó khăn này, những năm qua, NHCSXH huyện đã tham mưu cho Ban Đại diện Hội đồng quản trị ngân NHCSXH huyện triển khai, thực hiện chương trình vốn ưu đãi hộ SXKD tại vùng khó khăn (chương trình được triển khai ở huyện từ năm 2007).
Ông Triệu Việt Quý, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Ngay từ đầu các năm, đơn vị luôn chủ động rà soát nhu cầu vay vốn để tham mưu, đề xuất với ban đại diện cấp huyện, NHCSXH tỉnh cấp bổ sung vốn theo nhu cầu thực tế của người dân. Sau đó xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đến các xã; đồng thời đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức hội, UBND các xã tuyên truyền về chương trình vốn để người dân nắm rõ, chủ động tiếp cận vốn vay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, vốn luôn được giải ngân đúng kế hoạch. Hiện tổng dư nợ chương trình đạt trên 63,9 tỷ đồng, chiếm 32% tổng dư nợ các chương trình cho vay với 1.083 hộ đang sử dụng vốn. Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, tăng trưởng dư nợ tập trung vào chương trình hộ SXKD vùng khó khăn với doanh số cho vay đạt trên 11,6 tỷ đồng (tăng trên 3,8 tỷ đồng so với đầu năm).
Các xã có dư nợ lớn như: Tân Mỹ 13 tỷ đồng; Hoàng Việt 9,3 tỷ đồng; Hoàng Văn Thụ 7,7 tỷ đồng. Bà con chủ yếu sử dụng vốn để trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả… góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập khá.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, thôn Lù Thẳm, xã Hoàng Việt cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn, chỉ làm mấy sào ruộng. Diện tích đồi của gia đình lớn nhưng không có vốn để trồng rừng. Năm 2008, qua tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, tôi được tuyên truyền và vay 50 triệu đồng chương trình sản xuất kinh doanh để đầu tư trồng cây hồng Vành khuyên, đến nay, khoảng 150 cây đã cho thu hoạch, mỗi năm thu nhập trên 70 triệu đồng.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện đã tích cực tuyên truyền đưa vốn vào sản xuất, triển khai các biện pháp để nâng cao chất lượng tín dụng. Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã kiểm tra tại 20/20 xã, thị trấn; mở được 12 lớp tập huấn cho cán bộ hội, đoàn thể cấp huyện, cấp xã; ban giảm nghèo cấp xã; ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức hội cấp xã, tổ tiết kiệm kiểm tra trực tiếp hàng trăm lượt hộ vay vốn. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, nhờ đó, hiện tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình chỉ chiếm 0,1% (mức cho phép là 2%).
Để người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn, NHCSXH còn phối hợp với các phòng chuyên môn huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ năm 2017 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp tổ chức được trên 130 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.
Cùng với các chương trình, mục tiêu khác của huyện, nguồn vốn cho vay hộ SXKD vùng khó khăn đã giúp người dân có vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 25,59% (năm 2016) xuống còn 22,05% năm 2017.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()