Lượng khách tăng mạnh và liên tục trên các kênh và thị trường
Theo Tổng cục Thống kê, số khách quốc tế đến Việt Nam tăng liên tiếp trong hai tháng đầu năm 2016, cụ thể: Tháng 1 lượng khách đạt 805,1 nghìn lượt người, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 659,4 nghìn lượt, tăng 14,2% và tăng 17,4%; đến bằng đường bộ đạt 133,3 nghìn lượt, giảm 21,5% và tăng 1%; đến bằng đường biển đạt 12,4 nghìn lượt, giảm 9,5% và giảm 46,8%. So với cùng kỳ năm trước, khách đến từ châu Á tăng 12,8%, từ châu Âu tăng 11,9% và từ châu Mỹ tăng 15,4%, còn từ châu Úc và từ châu Phi đều tăng 3,8%.
Trong tháng 2, khách quốc tế ước đạt 833.598 lượt người, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 20,0% so với cùng kỳ năm trước, với khách đến bằng đường hàng không đạt 667.321 lượt khách, chiếm 80,1% (tăng 11,2% so với tháng 2-2015); khách đến bằng đường biển đạt 11.759 lượt, chiếm 1,4% (tăng 56,7%); khách đến bằng đường bộ đạt 154.518 lượt, chiếm 18,5% (tăng 76,9% so với tháng 2-2015).
Tổng cộng, trong hai tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ 2015, khách quốc tế ước đạt 1.638.670 lượt, tăng 16,0%; trong đó, lượng khách đến bằng đường hàng không đạt 1.326.714 lượt (tăng 14,2%); bằng đường biển đạt 24.184 lượt (giảm 21,7%); bằng đường bộ đạt 287.772 lượt (tăng 31,3%).
Lượng khách đến từ hầu hết các thị trường đều tăng, trong đó: Hồng Công (Trung Quốc) tăng 169,9%; Trung Quốc tăng 48,8%; Hàn Quốc tăng 31,0%; Italy tăng 25,6%; Thái-lan tăng 24,3%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 23,8%; Malaysia tăng 19,7%; Anh tăng 19,6%, Philippines tăng 18,2%, Tây Ban Nha tăng 17,1%, Thụy Điển tăng 16,4%; Đức tăng 14,4%…
Thị trường có lượng khách giảm mạnh nhất là Campuchia (giảm 64,0% so với cùng kỳ năm 2015); New Zealand (2,6%); Lào (1,7%) và Phần Lan (0,1%).
Số khách du lịch nội địa ước đạt 14,2 triệu lượt khách, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 80.680 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015.
Về tổng thể, đồ thị khách quốc tế đến Việt Nam sau chuỗi tháng giảm kéo dài (từ tháng 5-2014 – 7-2015) đã có sự đảo chiều ngoạn mục, tăng liên tục trong nửa cuối năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016. Du lịch Việt đang dần lấy lại phong độ và khẳng định vị thế, hiệu quả của mình trong quá trình phát triển kinh tế đất nước và địa phương.
Nhiều chính sách mới được tích cực triển khai
Sự khởi sắc của dòng khách quốc tế vào du lịch đầu năm 2016 có sự trùng hợp và hỗ trợ bởi đúng vào dịp Tết, lễ hội Xuân đầu năm. Tuy vậy, những nỗ lực của bản thân ngành du lịch và các cơ quan chức năng liên quan là đáng ghi nhận.
Với thủ tục làm giấy thông hành xuất cảnh qua Việt Nam rất thuận tiện, trong đợt nghỉ Tết năm nay, lượng khách du lịch Trung Quốc xuất cảnh qua Đông Hưng, Bằng Tường, Long Bang vào Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch được quan tâm triển khai ngay từ đầu năm và có nhiều điểm mới.
Lần đầu tiên, Câu lạc bộ Nhà báo du lịch trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam được thành lập và đã chính thức ra mắt ngày 22-2-2016, tại Hà Nội. Đây là tổ chức quy tụ các nhà báo, phóng viên và những người làm công tác thông tin trong lĩnh vực du lịch, nhằm thúc đẩy liên kết, hỗ trợ, hợp tác nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng, nhiệt huyết và tôn vinh nghề nghiệp, cầu nối giữa ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình T.Ư và địa phương, góp phần tăng cường và nâng cao chất lượng công tác truyền thông về du lịch theo hướng nhanh, chính xác, đầy đủ, hấp dẫn, đa chiều và chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho đoàn làm phim Kong: Skull Island của Hollywood quay những cảnh quan trọng của phim này tại các danh thắng, di sản thế giới Phong Nha (Quảng Bình), Tràng An, Tam Cốc, đầm Vân Long (Ninh Bình) và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) của Việt Nam. Sức ảnh hưởng rộng rãi và kỳ vọng của bộ phim bom tấn này khi công chiếu năm 2017 và các phim tương tự khác sẽ là cơ hội tốt và mở ra kênh mới, hiệu quả để quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh thế giới.
Đặc biệt, nhiều hội nghị, hội thảo khoa học và hoạt động xúc tiến, liên kết phát triển du lịch đã và đang được tích cực triển khai, với sự phối hợp giữa Tổng Cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Kinh tế T.Ư, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và nhiều địa phương, tổ chức du lịch trong và ngoài nước, cùng một số đối tác quốc tế liên quan (Liên hiệp châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái-lan…), nổi bật như: Tổ chức Hội thảo về liên kết phát triển du lịch vùng Bắc – Nam Trung Bộ, gồm 14 tỉnh, thành phố là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam lần thứ tư (VITM Hanoi 2016) từ ngày 14 đến 17-4-2016, với c hủ đề “Việt Nam –T hiên đườngd u lịchb iển,đ ảo”; tổ chức “Năm Du lịch Quốc gia 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long” với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”…
Các hoạt động trên là sự khẳng định chuyển biến mạnh mẽ và một định hướng mới trong thực hiện xúc tiến du lịch ở Việt Nam rộng khắp, đồng bộ, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm và có tổ chức hơn.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Thực tế đã, đang và sẽ cho thấy, để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về du lịch; đẩy mạnh các mối liên kết đa dạng và đồng bộ, nhất là sự liên kết nội ngành và giữa các ngành, nội vùng và giữa các vùng; liên kết trong và giữa các địa phương theo trục dọc Bắc – Nam và theo cụm tiểu vùng; liên kết trong và giữa các doanh nghiệp, đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế và loại hình, quy mô kinh doanh du lịch; liên kết trong nước với nước ngoài.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cấp, cơ quan quản lý, Ban điều phối vùng, Nhóm tư vấn và các Quỹ đầu tư phát triển; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội du lịch và cộng đồng, củng cố đối thoại và cơ chế hợp tác công – tư trong thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm… nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên du lịch, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch (như du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…).
Hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch có trách nhiệm, phù hợp với lợi thế so sánh tĩnh và động của từng địa phương và xu hướng, kinh nghiệm phát triển du lịch thế giới; quan tâm quản lý điểm đến, quảng bá điểm đến vùng, bảo vệ môi trường và hiện đại hóa hạ tầng du lịch, xúc tiến, quảng bá, xây dựng và định vị thương hiệu, trao đổi khách; tăng cường đào tạo và tập huấn nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin và sức hấp dẫn đối với khách du lịch…
Xuân Bính Thân đã về. Sức Xuân mới đang đến và mang lại nhiều tín hiệu vui, gương mặt mới cho du lịch Việt…
Ý kiến ()