Đến dự tiết học theo mô hình VNEN vào một ngày đông, điều chúng tôi nhận thấy đầu tiên là cách sắp xếp bàn ghế đến vị trí ngồi học của học sinh, đều được thay đổi, tạo nên sự tương tác học tập giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên. Trong lớp học cũng hình thành những hoạt động gần gũi với học sinh như: Nhịp cầu bè bạn, góc thư viện, góc cộng đồng, lời yêu thương… Thông qua những góc hoạt động này, học sinh có thể nói lên những điều muốn nói nhưng còn ngần ngại, thì có thể chia sẻ qua hộp thư và giáo viên dễ dàng nắm bắt được tâm lý của các em.
Nguyễn Nhật Minh Anh, học sinh lớp 3A3 Trường tiểu học đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội, vốn là một cô bé nhút nhát, rụt rè, nhưng chỉ qua một học kỳ, đã mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều. Là trưởng ban văn nghệ của lớp, ngày nào Minh Anh cũng tự tin đứng trước cả lớp điều hành những tiết mục văn nghệ hoặc trò chơi… Được làm theo đúng với sở thích, khả năng, Minh Anh luôn hào hứng mỗi ngày đến trường.
Thực tế cho thấy, học sinh học theo mô hình VNEN tự tin, hoạt bát hơn hẳn, bởi ở đây, các em không thụ động ngồi nghe giảng – chép bài như ở mô hình truyền thống mà được xếp theo từng nhóm. Sau khi nghe giáo viên gợi mở vấn đề, các nhóm trưởng điều hành các bạn trong nhóm của mình cùng tìm hiểu, thảo luận. Tất cả thành viên trong nhóm đều được phát biểu, nói lên ý kiến. Có tranh luận, có phản biện… Khi gặp vấn đề quá khó, các em mới cần đến sự trợ giúp và giải đáp của giáo viên. Với một môi trường học tập tương tác như vậy, tất cả học sinh trong lớp học theo VNEN đều mạnh dạn, chủ động hơn rất nhiều. Bên cạnh phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, các lớp học theo VNEN với cách tổ chức quản lý lớp học gồm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản, các trưởng ban, trưởng nhóm do học sinh trong lớp tự ứng cử, bầu cử, sẽ tạo môi trường dân chủ giúp học sinh mạnh dạn, tự tin, trách nhiệm và năng động hơn, học sinh được phát huy quyền làm chủ trong quá trình học tập, giáo dục.
Anh Phạm Văn Trung Kiên ở quận Long Biên, hiện có hai con đang theo học tại Trường tiểu học đô thị Sài Đồng chia sẻ: Ban đầu, phụ huynh còn nghi ngờ khi cho con theo học mô hình trường học mới, nhưng đến giờ, những thay đổi ở con đã khiến những phụ huynh như anh hoàn toàn ủng hộ cách học mới này. Trước đây, nói chuyện với người lạ, các cháu còn e ngại, nhưng khi học mô hình này thì cháu cởi mở và bạo dạn hơn, chủ động nêu chủ kiến của mình. Với cha mẹ, cháu thường xuyên nêu ra quan điểm cá nhân, xây dựng tích cực, nhiều khi có những câu hỏi ngược của các cháu khiến bố mẹ cũng phải suy nghĩ để giải thích thấu đáo, không giống như ngày xưa là một chiều, bố mẹ bảo sao con nghe vậy.
Là người từng dạy cả phương pháp cũ và giờ dạy theo phương pháp mới, cô Lưu Thị Chính Phương, giáo viên Trường tiểu học đô thị Sài Đồng bày tỏ: Trước đây, giáo viên giảng trực tiếp, học sinh học dưới sự dẫn dắt của giáo viên, còn bây giờ học sinh chủ động, giáo viên chỉ xuất hiện khi học sinh có ý kiến và thắc mắc. Mọi người nhìn vào, thấy dường như giáo viên rất ít việc, nhưng thực tế khi dạy theo mô hình VNEN, giáo viên lại rất vất vả, phải soạn bài, phải lường trước được những tình huống nào mà học trò sẽ hỏi và những tình huống học trò sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, bắt buộc giáo viên phải chuẩn bị sẵn những tư liệu để giải đáp, phải đọc kỹ tài liệu, đọc thêm nhiều sách tham khảo, vì vậy sự chuẩn bị của giáo viên là rất lớn.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số lớp học thực hiện mô hình VNEN, Hiệu trưởng Trường tiểu học đô thị Sài Đồng Lê Thị Thu Hường cho biết: Nhà trường bắt đầu đi vào hoạt động từ năm học 2014-2015, hiện trường có năm lớp thực hiện mô hình trường học mới, trong đó có ba lớp khối ba và hai lớp khối bốn. Từ khi triển khai mô hình này, tôi thấy sự tiến bộ rõ rệt đối với học sinh, các em có sự mạnh dạn, tự tin trong học tập. Mặc dù nội dung dạy học của các em học sinh được xây dựng trên cơ sở gần tương đồng nội dung sách giáo khoa hiện hành, tuy nhiên để học sinh tự học tốt hơn, thì giáo viên có nhiều giải pháp như phiếu giao việc, tìm thêm các dữ liệu để minh họa thêm, khi học trò cần giải đáp, giúp đỡ của cô, sự giúp đỡ này thật sự có giá trị.
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Phạm Ngọc Định cho biết: Theo báo cáo của các Sở GD và ĐT và qua kiểm tra trong quá trình hỗ trợ các trường thực hiện mô hình VNEN, giáo viên đã giảm hẳn việc giảng giải, thuyết trình, tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ học sinh, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. Học sinh tự tin, chủ động, giao tiếp tích cực, hào hứng học tập và sinh hoạt tập thể; bước đầu hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, phát triển được năng lực tự quản, tự học, tự đánh giá. Đáng chú ý, mô hình đã nhận được sự đồng thuận từ phía cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Có thể thấy rằng, VNEN không chỉ giúp học sinh chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm, tự giác hơn trong học tập, mô hình này còn giúp chính những giáo viên giảng dạy sáng tạo hơn, đổi mới hơn. Hy vọng rằng, VNEN sẽ ngày càng được nhân rộng để học sinh được tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kích thích sự chủ động khám phá của học sinh.
Năm học 2015 – 2016, có 54 tỉnh, thành phố tham gia mở rộng áp dụng VNEN, nâng tổng số trường tham gia mô hình là 2.365 trường. Được biết, số học sinh lớp 2 tham gia mô hình VNEN là 172.570 học sinh; Lớp 3: 144.267 học sinh; Lớp 4: 82.447 học sinh; Lớp 5: 51.161 học sinh.
Ý kiến ()