Tín hiệu tích cực ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên
– Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) trong tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản trị, đào tạo, qua đó đạt được những tín hiệu khả quan về chất lượng giáo dục.
Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Trước yêu cầu chuyển đổi số trong GD&ĐT, năm 2022, sở quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản của Bộ GD&ĐT và của tỉnh về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong toàn ngành. Đối với công tác GDNN – GDTX, sở đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh – Xã hội hướng dẫn các trung tâm thay đổi cách quản lý hoạt động GDNN-GDTX, cách dạy của giáo viên. Bên cạnh đó là cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh tại các cơ sở GDNN-GDTX, từ môi trường truyền thống lên môi trường số.
Theo đó, toàn tỉnh hiện có 9 trung tâm GDNN – GDTX; 2 trung tâm GDTX gồm Trung tâm GDTX, tin học, ngoại ngữ và Trung tâm GDTX 2, với tổng số hơn 5.500 học sinh theo học. Để đảm bảo yêu cầu của chuyển đổi số, hằng năm các trung tâm đều thực hiện rà soát trang thiết bị, cơ sở vật chất, báo cáo và tham mưu, đề xuất đầu tư, bổ sung kịp thời.
Đến nay, 100% trung tâm đều có phòng máy tính; trên 30% phòng, lớp học ở các trung tâm được trang bị máy chiếu, tivi phục vụ giảng dạy trực tuyến và dạy môn đặc thù. Bên cạnh đó, để đảm bảo trang thiết bị, các đơn vị còn tích cực huy động, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, ủng hộ vật chất cũng như các điều kiện khác để thực hiện chuyển đổi số hoạt động giáo dục.
Mặc dù nền tảng hạ tầng CNTT còn hạn chế nhưng các trung tâm đã tích cực triển khai áp dụng các công cụ quản trị đào tạo thông minh như số hóa thông tin quản lý, quản lý lịch giảng dạy, thời khóa biểu, hệ thống bảng điểm, văn bằng tốt nghiệp của học sinh.
Đơn cử tại Trung tâm GDTX, tin học, ngoại ngữ tỉnh, trung tâm có 13 lớp với trên 400 học sinh theo học văn hóa kết hợp học nghề. Bà Đường Thị Thu Lan, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện nay trung tâm có 1 phòng máy tính với 32 dàn máy, đáp ứng yêu cầu dạy học về CNTT; 100% giáo viên áp dụng bài giảng điện tử, sử dụng hình ảnh, video minh họa sinh động giúp học sinh có thêm hứng thú học tập, tiếp thu bài nhanh hơn. Cùng đó, các dữ liệu về học sinh như hồ sơ học sinh, sổ điểm danh, sổ đánh giá môn học… được trung tâm số hóa.
Giờ học ứng dụng CNTT tại Trung Tâm Giáo dục thường xuyên, tin học, ngoại ngữ tỉnh
Tìm hiểu được biết, thực hiện chuyển đổi số, 100% đơn vị đều kết nối trao đổi dữ liệu từ phần mềm quản lý trường học với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng CNTT kết nối, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường; áp dụng các giải pháp trao đổi thông tin như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục. Qua đó, giúp công tác quản lý được minh bạch, khách quan, nhanh và chính xác.
Cùng đó, chuyển đổi số đã giúp triển khai hiệu quả công tác quản lý, tiếp nhận hồ sơ đăng ký học nghề của học viên ngắn hạn. Theo báo cáo của ngành, năm học 2021 – 2022 vừa qua, các trung tâm đã mở 26 lớp học nghề ngắn hạn dưới 6 tháng cho 1.292 học viên (tăng gấp 2 lần so với năm học 2020 – 2021).
Em Chu Thị Hoài, lớp 11A3, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cao Lộc cho biết: Từ khi vào học tại trung tâm, em đã đăng ký vừa học văn hóa vừa học nghề, em đã lựa chọn học nghề nấu ăn. Trong quá trình học, ngoài kiến thức trong sách, thầy cô còn thường xuyên sử dụng CNTT, bài giảng điện tử, máy chiếu để trình chiếu các hình ảnh, video minh họa, nhất là trong các tiết dạy nghề được xem hình ảnh và cách làm thực tế. Với việc dạy và học hiện đại như thế này đã giúp em tiếp thu bài tốt hơn.
Từ công tác triển khai và kết quả trên cho thấy, bước đầu công chuyển đổi số đã tác động tích cực đến công tác giáo dục ở các trung tâm. Thời gian tới, các cơ sở GDNN – GDTX trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, tăng cường tham mưu đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT. Qua đó triển khai tốt công tác GDNN – GDTX, đáp ứng với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế của địa phương.
Ý kiến ()