Tín hiệu mâu thuẫn của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ về lạm phát
Các nhà đầu tư đang tìm cách lý giải những tín hiệu mâu thuẫn từ các quan chức Fed, và khung lạm phát trung bình linh hoạt mới được Fed đưa ra năm 2020 sẽ đối diện với thử nghiệm lạm phát đầu tiên.
Theo báo Liên hợp buổi sáng ngày 25/6, hiện các nhà đầu tư luôn tìm cách giải thích tín hiệu của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lạm phát, nghĩa là Fed muốn để lạm phát đạt đến mức độ nào trước khi bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ thực hiện trong thời kỳ dịch bệnh.
Thước đo thị trường về kỳ vọng lạm phát Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây vào giữa tháng 5/2021, tuy nhiên sau phát biểu của một số quan chức Fed và biên bản cuộc họp tháng Tư được tiết lộ thì kỳ vọng lạm phát đã giảm xuống đáng kể.
Một số nhà đầu tư giải thích động thái này là mức độ chịu đựng của các nhà hoạch định chính sách đối với lạm phát vượt mục tiêu thấp hơn so với tính toán trước đây.
Cuộc họp ngày 15-16/6 của Fed đã tiếp tục hạ thấp kỳ vọng lạm phát do Fed kéo dài thời điểm tăng lãi suất đầu tiên sang năm 2023. Kể từ thời điểm đó, cửa đặt cược đối với lạm phát đã tăng trở lại, điều này có thể xuất phát từ tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 22/6, nhấn mạnh Fed sẽ không tăng lãi suất trước vì lo ngại lạm phát.
Tình hình dao động này cho thấy các nhà đầu tư đang tìm cách lý giải những tín hiệu mâu thuẫn từ các quan chức Fed, và khung lạm phát trung bình linh hoạt mới được Fed đưa ra vào năm 2020 sẽ đối diện với thử nghiệm lạm phát đầu tiên.
Trưởng bộ phận thu nhập cố định Tom Graff của công ty đầu tư Brown Advisory cho rằng, đa số các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đều không thể đưa ra bất cứ quyết định gì đối với những thay đổi kể từ khi cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) diễn ra vào tuần trước.
Nhiều người cho rằng, Fed đã mất đi dũng khí sau một số dữ liệu lạm phát, cuối cũng sẽ không thực hiện ý tưởng cho phép lạm phát duy trì ở mức trên 2%.
Trong tháng Tư, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một chỉ tiêu lạm phát tương đối được Fed coi trọng đã tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Tháng 8/2020, Fed áp dụng mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt (FAIT) để tăng sức chịu đựng áp lực giá cả so với trước đây, sự điều chỉnh này được xem là một thay đổi lớn về quan điểm của Fed đối với việc thực hiện sứ mệnh kép (tăng việc làm và ổn định giá cả).
Một số nhà phân tích thị trường cho rằng, mức độ kiên trì của Fed đối với FAIT có thể không được chắc chắn như khi chính sách này được thông qua vào mùa Hè năm 2020. Khi đó ông Jerome Powell nhấn mạnh, Fed sẽ cho phép tốc độ tăng giá vượt mức chịu đựng của chu kỳ kinh tế trước đó.
Theo Trưởng bộ phận nghiên cứu lạm phát toàn cầu của Ngân hàng Barclays Michael Pond, cuộc họp tuần rồi của Fed đã tiết lộ rằng “Fed đang quay trở lại.”
Mặc dù có thể có một vài rắc rối lạm phát tạm thời, nhưng xét về mặt cấu trúc, phản ứng kiểu này của Fed sẽ có tác dụng khiến lạm phát tiếp tục suy giảm./.
Ý kiến ()