Tín hiệu khởi sắc từ thị trường lao động
Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19 là một trong những giải pháp quan trọng cho tiến trình phục hồi kinh tế hiện nay. Đáng mừng là thị trường lao động đang có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Trong hai năm đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh đứt gãy khiến nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng. Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao từ mức 1,22% trong quý IV/2019 lên 4,46% trong quý III/2021, tương ứng với hơn 1,8 triệu người. Bước sang năm 2022, thị trường lao động đang phục hồi. Nguồn cung lao động trong quý đầu năm đã tăng lên 51,2 triệu người, chủ yếu ở khu vực phi chính thức.
Cầu lao động cũng đã tăng trở lại, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ. Số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm mạnh gần 50% so cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại chiều hướng tích cực với biểu hiện giảm lao động trong khu vực nông nghiệp và tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, những biểu hiện thiếu bền vững của thị trường lao động cũng bộc lộ rõ nét hơn. Đó là nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhất là đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.
Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ cao hơn những năm trước đại dịch. Trong đó chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức cũng chưa thể trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy cho sự chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức.
Để phục hồi chuỗi cung ứng lao động, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Trước mắt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp, như tập trung bảo đảm an sinh xã hội cơ bản cho người lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung-cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực…
Về lâu dài, cần giải quyết những vấn đề cốt lõi mang tính chất quyết định đến sự phát triển của thị trường lao động là chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Đây không phải trách nhiệm của riêng bộ, ngành, địa phương nào mà cần sự vào cuộc của tất cả các đơn vị liên quan ở các cấp khác nhau trong quá trình cải cách và ban hành, thực hiện khung chính sách bao quát.
Ý kiến ()