Tín hiệu khả quan, xuất khẩu da giày cả năm có thể đạt 21,5 tỷ USD
Tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong 10 tháng vừa qua, việc ký kết một số hiệp định thương mại ( EVFTA , CPTPP) đã mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP .
Tính chung 10 tháng vừa qua, sản lượng giày dép da ước đạt 246,4 triệu đôi, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong khi chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,1%.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong các tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo với việc duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống.
Đơn cử, tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam.
Mặt khác, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ với cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 10 tháng ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Với những thuận lợi về thị trường, cơ quan này cũng dự báo sản xuất ngành da giày năm 2019 sẽ tăng trên 10% so với năm 2018, với tổng kim ngạch đạt khoảng 21,5 tỷ USD.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()