Tín dụng ưu đãi: Hiệu quả quản lý từ cấp xã
(LSO) – Trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) luôn phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Góp phần vào hiệu quả đó phải kể đến vai trò quan trọng của UBND và các tổ chức đoàn thể của xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt công tác quản lý vốn cho vay trên địa bàn.
Trong thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, hầu hết các hoạt động diễn ra tại cấp xã như: tuyên truyền, giải ngân vốn, thu nợ, kiểm tra sử dụng vốn… Trong đó, UBND cấp xã, các tổ chức, đoàn thể và các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý vốn. Mặc dù có nhiều khó khăn do không có nghiệp vụ, đối tượng vay vốn lại chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhưng ban giảm nghèo và các tổ chức hội cấp xã đã nỗ lực thực hiện các biện pháp quản lý vốn tại địa bàn.
Người dân thực hiện giao dịch tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, Hội Nông dân xã quản lý 7 tổ TK&VV với dư nợ trên 11 tỷ đồng, gần 300 hộ vay. Để quản lý vốn, hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện, hằng tháng chủ động kiểm tra, theo dõi tình hình sử dụng vốn của tổ viên, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; phối hợp với tổ TK&VV kiểm tra các hộ vay sau 30 ngày. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng vốn; động viên, giúp đỡ các hộ vay về kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm sử dụng vốn… Từ đó, quản lý tốt nguồn vốn vay, không có nợ chây ì, khó đòi; nợ quá hạn.
Đối với UBND cấp xã, để quản lý vốn, công tác đảm bảo, an toàn cho hoạt động giao dịch tại xã được đặc biệt quan tâm. Chủ tịch UBND xã là thành viên ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban hằng tháng với NHCSXH huyện, bình xét đối tượng vay vốn công khai, công bằng… Mặt khác, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể, tổ TK&VV tích cực tuyên truyền về chính sách vốn, định kỳ hằng tháng, quý kiểm tra, đôn đốc trách nhiệm sử dụng vốn và thông tin tới NHCSXH huyện về tình hình sử dụng vốn.
Ông Linh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Y Tịch, huyện Chi Lăng cho biết: UBND xã quản lý 13 tổ TK&VV với dư nợ hơn 24 tỷ đồng. Từ chỉ đạo sát sao công tác quản lý vốn, xã kịp thời phối hợp với ngân hàng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình sử dụng vốn. Vì vậy, nguồn vốn trên địa bàn xã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của các hộ dân.
Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh có 200 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Theo đó, các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đang sử dụng tổng nguồn vốn ưu đãi gần 3.000 tỷ đồng thông qua 15 chương trình cho vay, với hơn 68 nghìn khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ sự nỗ lực quản lý vốn ở cấp xã, những năm qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi được sử dụng đúng mục đích, giúp hàng nghìn hộ nghèo có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm cho người lao động, xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…
Để nâng cao hiệu quả quản lý vốn ở cấp xã, hằng năm, NHCSXH tỉnh, huyện đều tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý vốn cho chủ tịch UBND cấp xã, trưởng thôn, cán bộ tổ chức hội và tổ TK&VV. Từ năm 2019 đến nay, NHCSXH đã tổ chức được 112 lớp tập huấn nghiệp vụ với 8.190 lượt người tham gia.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh khẳng định: UBND cấp xã, các tổ chức hội, đoàn thể xã đã góp phần tích cực, trực tiếp quản lý nguồn vốn tại cơ sở, đặc biệt là từ sau khi chủ tịch UBND xã tham gia ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện. Nhờ đó, việc xử lý nợ đến hạn, xử lý rủi ro, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ khó đòi được chỉ đạo sát sao; hoạt động giao dịch tại xã được quan tâm hơn… Từ đó, quản lý vốn hiệu quả, nợ quá hạn thấp, chiếm 0,07% tổng dư nợ, toàn tỉnh có 126 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn… Qua đó, đảm bảo chất lượng tín dụng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Ý kiến ()