Tín dụng phục hồi, ngân hàng tăng tốc ‘bơm vốn’ cho nền kinh tế
Các chuyên gia nhận định nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%.
Sau giai đoạn giãn cách xã hội, các địa phương trên cả nước mở cửa trở lại và chuyển sang trạng thái bình thường mới, nền kinh tế đã có tín hiệu khởi sắc, nhu cầu về nguồn vốn cho các mục đích tăng cao trong quý cuối năm. Vì vậy, ngân hàng tranh thủ đẩy mạnh các gói tín dụng với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
“Bơm” 61.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần
Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI cho biết tăng trưởng tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng 11, khi thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 11, tín dụng đạt 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020; trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.
Như vậy, chỉ trong 1 tuần cuối tháng 11, các ngân hàng thương mại đã cho vay thêm khoảng 61.000 tỷ đồng – gần tương đương với mức cấp tín dụng trong tháng 10 và là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách.
Theo chuyên gia SSI, tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng cho việc phục hồi sau đại dịch, cùng với sự cải thiện của số liệu vĩ mô tháng 11. Bên cạnh đó, góp phần cho dư nợ tín dụng tăng mạnh là gói hỗ trợ lãi suất tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành được đẩy mạnh từ tháng 10 để hỗ trợ nền kinh tế.
“Nhìn chung, nền kinh tế dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%, phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại gần đây từ Ngân hàng Nhà nước,” báo cáo của SSI nhận định.
Chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng đã làm giảm nhu cầu tín dụng trong quý 2 và 3, việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.
Trong năm 2022, BSC dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13% nhờ đà phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh, cùng với gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, động thái mở rộng tín dụng cuối năm khá rõ nét khi tuần trước, cơ quan này đã nới “room tín dụng” cho 11 ngân hàng thương mại cổ phần đồng thời cũng đang cân nhắc tiếp tục hoãn lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để tăng thêm thanh khoản cho hệ thống.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, động thái trên của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Các tổ chức tín dụng cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,94 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,81 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 11/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng.
Ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp
Đồng hành cùng chính phủ để phục hồi nền kinh tế, ngân hàng đang đồng loạt triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất hướng vào nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc nhóm các lĩnh vực ưu tiên, thương mại dịch vụ.
Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng (PvcomBank) dành gói tín dụng lên tới 9.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Với thời hạn gói vay từ 3 tháng lên đến 10 năm, phương thức trả lãi và gốc linh hoạt, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động được nguồn tài chính cho các nhu cầu vay vốn của mình. PVcomBank cũng cải tiến quy trình, phê duyệt hồ sơ trong vòng 24 tiếng, cấp ngay hạn mức lên tới 10 tỷ đồng, giúp khách hàng nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn để khởi động các kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp.
“Thông thường, giai đoạn quý 4 hàng năm đều chứng kiến sự bùng nổ các nhu cầu vốn về phát triển kinh doanh. Việc đưa vào áp dụng mức lãi suất ưu đãi của gói tín dụng này của PVcomBank sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho các khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để phục hồi kinh doanh, tạo đà cho sự tăng trưởng vào năm 2022 – nhất là nhóm khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh vốn là những đối tượng chịu tổn thương nặng do dịch COVID-19. Điều này cũng góp phần vào sự phục hồi, tăng trưởng, phát triển chung của nền kinh tế,” đại diện PVcomBank cho biết.
Để đẩy mạnh cho vay, từ nay đến ngày 28/2/2022, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) cũng giảm lãi suất cho vay về mức 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân đang vay phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất-kinh doanh. Trước đó, nhằm “chia lửa” cùng khách hàng sớm ổn định cuộc sống do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, ngân hàng này cũng đã giảm lãi suất tối đa 0,5%/năm đối với khoản vay hiện hữu của cá nhân trong vòng 3 tháng.
Trước đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB)… cũng đang có những gói vay từ 10.000-20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 4,5%-6,5% cho các doanh nghiệp.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này vẫn đang điều hành theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đánh giá thực trạng khó khăn của nền kinh tế, các ngành nghề, loại hình doanh nghiệp… để chỉ đạo các tổ chức tín dụng có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục kinh tế. Riêng khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh, các tổ chức tín dụng đã tiến hành cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 11/2021 đạt trên 7,1 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()