Tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế
Sau hơn ba tháng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành triển khai quyết liệt và đúng hướng các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ là tương đối khả quan. Bên cạnh đó, nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2013 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Sau hơn ba tháng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành triển khai quyết liệt và đúng hướng các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ là tương đối khả quan. Bên cạnh đó, nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2013 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Đây là ý kiến từ buổi toạ đàm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Học viện Ngân hàng tổ chức diễn ra ngày 7-5 tại Hà Nội.
Nguồn tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến ngày 21-3 đã tăng 0,03% so cuối năm 2012 và tăng 10,72% so cùng kỳ năm 2012. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu do NHNN đề ra nhưng những diễn biến tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm đã thể hiện rõ dấu hiệu phục hồi qua từng tháng.
Cụ thể, tháng 1 và 2, dư nợ tín dụng giảm nhẹ so cuối năm 2012 nhưng kể từ tháng thứ hai tăng trưởng tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước và đến tháng 3-2013, tín dụng đã đạt mức tăng trưởng dương. Thêm vào đó, nếu so cùng kỳ năm 2012, tín dụng tăng trưởng âm liên tiếp trong năm tháng đầu năm thì tín dụng của toàn hệ thống đã tăng trưởng dương ngay trong quý 1 năm 2013. Sự phục hồi này, theo nhóm tác giả nghiên cứu của Học viện Ngân hàng, được coi là một tín hiệu khả quan cho nền kinh tế.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các giải pháp tiền tệ, tín dụng được NHNN điều hành linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tích cực, tập trung nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và thực hiện các mục tiêu xã hội. Theo báo cáo kết quả tổng hợp cuộc điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các NHTM do Vụ Dự báo Thống kê tiền tệ (NHNN) hoàn thành vào quý 1-2013 cho thấy, các ngân hàng thương mại (NHTM) dự kiến trong năm 2013 sẽ tập trung vốn cho các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng; hạn chế cấp tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Ước tính, hơn 86% TCTD dự kiến không tăng cấp tín dụng đối với kinh doanh bất động sản, hơn 95% TCTD cho biết không tăng tín dụng đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán. Hơn 90% TCTD kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và gia tăng cấp tín dụng cho một số nhóm khách hàng ưu tiên thuộc các lĩnh vực, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trả lãi cho nền kinh tế 300 nghìn tỷ đồng/năm
Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, mỗi năm, hệ thống ngân hàng đang trả lãi cho nền kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng.
Trong đó, phần trả lãi tiền gửi lớn nhất mà ngân hàng trả là cho doanh nghiệp có tiền gửi nhàn rỗi và người dân gửi tiết kiệm là hơn 280 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, với khoản tiền huy động 19.500 tỷ đồng của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hệ thống ngân hàng cũng phải trả lãi lên tới 1.528 tỷ đồng/năm. Kho bạc Nhà nước, nơi giữ tiền tạm thời nhàn rỗi của Chính phủ với số dư bình quân trên hệ thống ngân hàng thương mại là 70.000 tỷ đồng/năm, với lãi suất 2%/năm, đơn vị này cũng đã thu về từ hệ thống ngân hàng tiền lãi là 1.400 tỷ đồng/năm. Số dư tiền gửi của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tính đến cuối 2012 tại năm ngân hàng là 235.000 tỷ đồng, tính ra tiền lãi các ngân hàng phải trả cho đơn vị này là 18.000 tỷ đồng/năm…
Cùng với việc trả lãi cho nền kinh tế, ngân hàng cũng phải chịu rất nhiều khoản chi phí khác. Thí dụ như chi phí đọng vốn và tiền mặt, chi phí dự trữ bắt buộc tại NHNN, chi phí bù đắp về thanh khoản, trong đó chi phí trích lập dự phòng rủi ro chiếm một khoản lớn của hệ thống ngân hàng thương mại. Theo ông Hòe, tính đến cuối năm 2012, tổng mức trích lập dự phòng rủi ro lũy kế đến giữa tháng 11-2012 của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 68.000 tỷ đồng. Trong quý I-2013, các ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. “Nhìn vào kết quả kinh doanh của hệ thống NHTM cuối năm 2012 có thể thấy một sự sụt giảm thê thảm về lợi nhuận. 102 đơn vị có lãi thì lợi nhuận giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2011. Có khoảng 22 đơn vị thua lỗ thì mức lỗ là gấp 7 lần so 2011”, ông Hòe cho biết.
Do vậy, ông Phạm Xuân Hòe cũng phản bác lại ý kiến cho rằng, ngân hàng lãi lớn do nền kinh tế đang phải trả lãi cho hệ thống ngân hàng hơn 400.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời khẳng định, việc doanh nghiệp vay vốn ngân hàng phải trả lãi là đương nhiên. Song số lãi này hệ thống ngân hàng không hoàn toàn được hưởng hết, mà phải trừ vào chi phí vận hành, quản trị, khuyến mãi, trả lương cán bộ, trích lập dự phòng rủi ro…
Nhiều khuyến nghị
Với hai nhiệm vụ tổng quát cho năm 2013 là điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát thấp và triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia kinh tế nhận định, điều hành chính sách tiền tệ tín dụng của NHNN trong thời gian tới phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là, tổng cầu nền kinh tế vẫn rất thấp, các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ cần thời gian để phát huy hiệu quả, sự hấp dẫn của kênh đầu tư trái phiếu tác động đến tăng trưởng tín dụng, các NHTM vẫn cẩn trọng trong xét duyệt tín dụng trong bối cảnh rủi ro tín dụng cao,…
Theo các diễn giả của Học viện Ngân hàng, vấn đề của NHNN từ nay cho đến hết năm 2013 là thực hiện các giải pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm kích thích lực cầu, giải quyết nợ xấu tồn đọng cũng như cơ cấu lại nguồn vốn tập trung đẩy mạnh hơn nữa vào những lĩnh vực và đối tượng giúp phát triển kinh tế bền vững nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Qua đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị NHNN cần bảo đảm điều hành nhất quán mục tiêu cung tiền và tăng trưởng tín dụng, tránh theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn mà làm ảnh hưởng tới mục tiêu ưu tiên là bình ổn giá cả; Chỉ đạo các TCTD đẩy nhanh tốc độ thực hiện các giải pháp tín dụng, lãi suất vào các lĩnh vực ưu tiên đồng thời nghiên cứu các gói sản phẩm tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Khẩn trương hoàn thành các gói giải pháp nhằm xử lý vấn đề nợ xấu trong thời gian ngắn nhất nhằm trong sạch thị trường.
Nhandan
Ý kiến ()