Tín dụng học sinh, sinh viên: Hàng triệu trường hợp khó khăn được theo đuổi ước mơ học tập
Theo Ngân hàng chính sách xã hội, sau 5 năm triển khai Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (2007-2012), hàng triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn để theo đuổi ước mơ học tập. Riêng năm 2012, tổng dư nợ đến cuối năm đạt gần 36.000 tỷ đồng với trên 2,2 triệu học sinh, sinh viên của gần 1,9 triệu hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang vay vốn để con em được đến trường học tập.Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên là Chương trình thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Kể từ năm 2007, với Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng học sinh, sinh viên được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhằm giảm bớt gánh nặng trong chi phí học tập cho hộ dân nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện (2007-2012), Chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa xã hội và kinh tế to lớn; tiếp tục...
Theo Ngân hàng chính sách xã hội, sau 5 năm triển khai Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên(2007-2012), hàng triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn để theo đuổi ước mơ học tập.
Riêng năm 2012, tổng dư nợ đến cuối năm đạt gần 36.000 tỷ đồng với trên 2,2 triệu học sinh, sinh viên của gần 1,9 triệu hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang vay vốn để con em được đến trường học tập.
Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên là Chương trình thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Kể từ năm 2007, với Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng học sinh, sinh viên được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhằm giảm bớt gánh nặng trong chi phí học tập cho hộ dân nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện (2007-2012), Chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa xã hội và kinh tế to lớn; tiếp tục khẳng định sự đúng đắn và hiệu quả, chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ thu hồi nợ cao. Có thể thấy, Chương trình này đã đi vào cuộc sống, trở thành chỗ dựa vững chắc cho hàng triệu học sinh nghèo cả nước theo đuổi ước mơ học tập.
Nhờ Chương trình, hàng triệu học sinh, sinh viên khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập của mình (Ảnh minh họa: HNV) |
Những tín hiệu lạc quan
Nhiều hộ nông dân, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Dù có là người cần cù, chịu khó, nhưng với việc đồng áng thì bảo đảm cuộc sống gia đình ổn định đã cũng là một khó khăn chứ chưa nói gì đến tích lũy, dư giả. Do đó, Chương trình đã “mở ra một cánh cửa mới” cho những người nông dân này. Hơn nữa, cũng rất nhiều sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn do tiếp cận được nguồn vốn tín dụng này mà tiếp tục con đường học hành tưởng như dang dở.
Thông qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn của Nhà nước đã và đang được truyền tải đến với các hộ gia đình khó khăn có con em theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chương trình một mặt giúp đào tạo lượng lớn nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; mặt khác, giúp cho một bộ phận nhân dân thu nhập thấp nhận được sự hưởng thụ bình đẳng về giáo dục và đào tạo, có công ăn việc làm, từng bước thoát nghèo. Đáng chú ý, Chương trình còn góp phần thúc đẩy phong trào học tập của các địa phương.
Xã Tiền Phong, huyện Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên là một minh chứng cho hiệu quả này. Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây, nhiều học sinh con nhà nghèo học khá, giỏi nhưng không dám đi thi đại học, cao đẳng. Từ khi có Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, phong trào học tập phát triển nhanh chóng. Nếu như trước năm 2007, cả xã có chưa đến 10 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng thì năm 2009, có gần 30 em thi đỗ vào các trường đại học. Tổng số dư nợ cho vay của xã đến nay đạt 2,46 tỷ đồng, với 223 hộ vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên.
Nhiều tỉnh, thành cũng có những kết quả rất đáng khích lệ khi triển khai Chương trình. Đơn cử như Bắc Giang, qua tổng kết 5 năm triển khai và thực hiện, dư nợ của Chương trình đạt 1.011 tỷ đồng với hơn 61 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn. Với chính sách ưu đãi (mức 0,65%/tháng), Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã thực sự có ý nghĩa, mang lại cơ hội được học tập cho con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo.
Hay tỉnh Hòa Bình, sau 5 năm thực hiện Chương trình này, trên toàn tỉnh đã có 22.205 học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn với tổng dư nợ là 328.906 triệu đồng, ứng với 19.237 hộ đang còn dư nợ. Cùng với cho vay, công tác thu hồi nợ đến hạn tạo nguồn vốn cho vay quay vòng cho thế hệ học sinh, sinh viên tiếp theo đạt được kết quả tốt. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm 0,35%/tổng dư nợ Chương trình. Thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% hộ nghèo, làm cơ sở để bình xét đối tượng vay vốn đúng quy định.
Cùng với Hòa Bình, tỉnh Hưng Yên đã có hơn 35,7 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có con em học tại các cơ sở giáo dục được vay vốn với số tiền giải ngân hơn 679,3 tỷ đồng. Hầu hết các học sinh, sinh viên vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và đã trả nợ đạt doanh số hơn 77,7 tỷ đồng. Nợ quá hạn ở mức rất thấp, bằng 0,03% tổng dư nợ.
Có thể kể đến cả tỉnh Bình Thuận, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 34.295 học sinh, sinh viên của hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay với tổng dư nợ 534,730 tỷ đồng. Trong đó, có 11.121 sinh viên đại học vay 207,892 tỷ đồng, 13.294 sinh viên cao đẳng vay 208,799 tỷ đồng, gần 10.000 học sinh vay gần 117 tỷ đồng để học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề…
Rồi Đăk Lăk, sau 5 năm triển khai, tính đến cuối tháng 8-2012, tổng dư nợ cho vay học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh theo Chương trình tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 953 tỷ đồng. Số tiền này đã thật sự là “điểm tựa” giúp hơn 61.000 học sinh, sinh viên của gần 48.100 hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục con đường học tập.
Hay như TP. Buôn Ma Thuột, sau 5 năm, tỷ lệ thu nợ đến hạn kỳ cuối đạt 95%, tỷ lệ thu nợ phân kỳ đạt trên 35%. Nguồn vốn thu hồi trên cũng đã giúp chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay quay vòng trong khi nguồn vốn cân đối từ Trung ương còn khó khăn.
Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên được áp dụng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: Tiền học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại. 5 năm qua đã chứng minh một điều rõ ràng về tính nhân văn sâu sắc, xã hội hóa cao của Chương trình. Do đó, Chương trình rất cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, góp phần hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho con theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Cũng qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã đạt quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế – xã hội. Sức lan tỏa của Chương trình đã thúc đẩy phong trào vượt khó học tập không chỉ từ các xã vùng sâu, vùng xa mà lan đến vùng đô thị.
Nhờ nguồn vốn vay học sinh, sinh viên, hàng ngàn gia đình thuộc diện hoàn cảnh khó khăn tiếp tục cho con em mình học tập, tìm kiếm việc làm trong tương lai để ổn định, thay đổi cuộc sống. Chương trình cũng tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, đáp ứng được xu hướng xã hội hóa giáo dục và nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Để phát huy hơn nữa tính nhân văn và ý nghĩa xã hội của Chương trình
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình cho vay học sinh, sinh viên cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như: Công tác xác nhận đối tượng thụ hưởng ở một vài địa phương vẫn mang tính vị nể, thiếu chặt chẽ; việc khảo sát, điều tra bổ sung danh sách hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất về tài chính chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cho hộ gia đình. Song song với vướng mắc về thủ tục, tình trạng nợ quá hạn có xu hướng tăng hiện nay ảnh hưởng đến hoạt động quay vòng vốn, trong khi thời hạn cho vay dài. Một số nơi lãi tồn đọng lớn do nhiều gia đình và học sinh, sinh viên chưa hiểu hết ý nghĩa của việc sử dụng vốn vay, còn tâm lý ỷ lại vào cơ chế, chính sách của Nhà nước nên chậm trễ hoàn trả nợ vay. Bên cạnh, số học sinh, sinh viên khi ra trường chưa có việc làm lên đến 3.038 em, chiếm tỷ lệ 15,3%/tổng số học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp, nên chưa có khả năng đóng góp tài chính với gia đình trả nợ. Việc xác nhận của một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp chưa đầy đủ trên giấy xác nhận theo mẫu quy định hoặc sai mẫu nên làm chậm quá trình giải ngân cho vay. UBND một số xã chưa thực hiện đầy đủ việc khảo sát điều tra bổ sung kịp thời hộ nghèo, cận nghèo, hoặc gặp khó khăn đột xuất về tài chính dẫn đến nhiều hộ thực sự khó khăn nhưng không được vay vốn cho con em học tập. Công tác kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên dẫn đến nhiều hộ có điều kiện trả nợ nhưng không chấp hành một cách đầy đủ; cá biệt có những hộ sau khi được vay vốn đã chuyển đi nơi khác, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ…
Kinh nghiệm sau 5 năm triển khai cũng cho thấy, để Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên phát huy hơn nữa tính nhân văn, ý nghĩa xã hội, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, ngân hàng, địa phương và các tổ chức xã hội để nắm bắt được con số học sinh, sinh viên được vay ở mỗi trường, việc sử dụng vốn có đúng mục đích học tập hay không.
Mặt khác, thực hiện tốt việc công khai, dân chủ từ cơ sở trong thực hiện tín dụng đối với học sinh, sinh viên, tạo kênh dẫn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra. Tăng cường tuyên truyền để người dân thuộc đối tượng hiểu rõ được mục đích chương trình. Nghiên cứu, cải tiến quy trình thủ tục hành chính giúp hộ vay vốn làm thủ tục thuận lợi.
Không những thế, hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội các địa phương cũng cần thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị -xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ giao dịch lưu động và điểm giao dịch tại cơ sở.
Để Chương trình thực sự có ý nghĩa và lan tỏa rộng khắp tới từng hộ dân, thời gian tới, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động tín dụng đối với học sinh, sinh viên; thường xuyên rà soát, tham mưu, bổ sung, hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng. Các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng giúp cho học sinh, sinh viên nắm rõ và tiếp cận với chính sách ưu đãi từ Chương trình tín dụng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()