Tín dụng chính sách: Tiếp thêm động lực thoát nghèo
(LSO) – Hơn 160 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong toàn tỉnh được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế – đó là con số ấn tượng trong 5 năm qua (2014 – 2019) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh trong hành trình dẫn vốn đến người nghèo. Thông qua nguồn vốn đó, nhiều hộ nghèo đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tổng dư nợ vốn của 15 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai tại NHCSXH tỉnh đạt hơn 2.886,3 tỷ đồng, tăng trưởng trên 164,3 tỷ đồng so với năm 2018, tăng 997,4 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm là 10,5%. Trong đó, tăng trưởng tập trung ở các chương trình như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, sản xuất kinh doanh, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nguồn vốn trong những năm qua luôn được giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng; các hộ vay sử dụng đúng mục đích để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ và đều mang lại hiệu quả.
Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nộp lãi tại điểm giao dịch xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng
Gia đình ông Hoàng Văn Hùng, thôn Nà Mạ, xã Xuân Tình, huyện Lộc Bình là một trong những hộ tiêu biểu. Trước đây, kinh tế gia đình ông Hùng rất khó khăn, không có vốn để phát triển sản xuất, qua các phương tiện thông tin đại chúng và các đợt sinh hoạt đoàn thể tại thôn, ông biết đến các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ đang triển khai tại xã thông qua NHCSXH nên ông đã làm hồ sơ xin vay vốn.
Ông Hùng chia sẻ: “Tôi vay vốn lần đầu tiên vào năm 2016 để chăm sóc rừng thông, khi một phần diện tích thông được khai thác, gia đình tôi có thu nhập và trả được nợ ngân hàng. Sau đó, tôi tiếp tục vay vốn NHCSXH nhiều lần để chăm sóc và mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được 5 ha thông, trong đó có 2 ha đang cho khai thác, hằng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ đó, hiện gia đình tôi đã thoát nghèo và có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang.”
Không chỉ gia đình ông Hùng, từ năm 2014 đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 160.114 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, trong đó có 58.541 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất. Nhờ nguồn vốn, gần 30.000 hộ nghèo đã vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo; 9.185 lao động được tạo việc làm và trên 6.130 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học. Bên cạnh đó, các hộ dân vùng nông thôn đã xây dựng, cải tạo được 63.600 công trình nước sạch, nhà vệ sinh, nhà tắm, cải thiện môi trường nông thôn; hàng nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 25,95% cuối năm 2015 xuống còn 10,5% cuối năm 2019.
Bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, ý thức trả nợ, trả lãi của hộ vay cũng được nâng lên, nợ quá hạn hằng năm đều giảm. Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ; tỷ lệ thu lãi đạt 99%. Để đạt hiệu quả như vậy, những năm qua, NHCSXH tỉnh đã luôn nỗ lực trong triển khai, thực hiện các chương trình tín dụng.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Hằng năm, chi nhánh luôn chủ động tham mưu với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh về kế hoạch thực hiện chính sách tín dụng, các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, tổ chức hội; chỉ đạo sát sao các phòng giao dịch huyện tuyên truyền, giải ngân và quản lý nguồn vốn. Theo đó, các đơn vị huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện bình xét công khai, chính xác đối tượng vay vốn. Đồng thời, hướng dẫn sử dụng vốn, kiểm tra giám sát hộ vay, đôn đốc thu nợ, thu lãi…
Trong công tác kiểm tra, giám sát, hằng năm, chi nhánh xây dựng kế hoạch và kiểm tra toàn diện các mặt hoạt động đối với 100% phòng giao dịch huyện. Qua kiểm tra, những khó khăn, vướng mắc được khắc phục kịp thời, đảm bảo hoạt động của chi nhánh an toàn, đúng quy định, hiệu quả.
Có thể khẳng định những năm qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất, giảm nghèo. Phát huy hiệu quả đó, năm 2020, NHCSXH tỉnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch thực hiện tín dụng. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội các cấp; các phòng giao dịch huyện để tuyên truyền, giải ngân vốn, không để hộ nghèo và các đối tượng chính sách thiếu vốn đầu tư sản xuất.
Ý kiến ()