Tín dụng chính sách giúp xóa đói giảm nghèo bền vững
Sáng 8-11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững”, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN; đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCS) Nguyễn Đức Hải; ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế.
Tọa đàm tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến những kết quả thực hiện hoạt động tín dụng chính sách của ngành ngân hàng thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc và định hướng hoạt động thời gian tới.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sự quan tâm đặc biệt của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng, ngành ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách, hoạt động tín dụng chính sách của ngành ngân hàng đã thu được những thành tựu nổi bật, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. “Thành tựu này được nhìn nhận như một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam”, ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá.
Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, NHNN đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại cùng với dòng vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn này. Điển hình như NHNN đã trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai các chương trình chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra, hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, chính sách phát triển thủy sản, chương trình tái canh cà phê, chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhằm đáp ứng được yêu cầu về đầu tư tín dụng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tích cực thực hiện huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB) cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế – xã hội vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.
NHNN cũng phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo, hoàn thiện cơ chế chính sách và khung pháp lý cho hoạt động tín dụng chính sách nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh…
Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Theo Phó Tổng Giám đốc NHCS Nguyễn Đức Hải, đến nay, sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn…, đóng góp quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đặt ra tại Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2001 – 2005 từ 17% xuống 7%, thời kỳ 2005 – 2010 từ 22% xuống 9,45%, thời kỳ 2011 – 2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%.
Từ ba chương trình tín dụng nhận bàn giao, đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 30-9, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Tham dự tọa đàm, các chuyên gia đều có chung nhận định, cùng việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách thời gian qua đã không ngừng được củng cố và nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30-9-2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai công tác xóa đói giảm nghèo thông qua hoạt động tín dụng chính sách cho thấy mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh, đặc biệt là tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn cao; nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa;…
Do vậy, thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác; tạo điều kiện hỗ trợ NHCS trong việc huy động vốn, vay tái cấp vốn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại NHCS theo quy định. Đồng thời, NHCS cần chủ động xây dựng phương án huy động vốn theo cơ chế hiện hành và trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung các nguồn khác để bảo đảm có thêm vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Theo Nhandan
Ý kiến ()