Tín dụng chính sách: “Điểm tựa” giúp thanh niên khởi nghiệp
– Những năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn khởi nghiệp cũng như mở rộng quy mô sản xuất của thanh niên , Tỉnh đoàn đã làm tốt công tác ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Qua đó, giúp đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh có điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.
Tìm hiểu về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, cuối tháng 3/2022, chúng tôi được cán bộ Tỉnh đoàn giới thiệu đến gia đình anh Lăng Văn Danh, thôn Quảng Tiến 1, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. Anh Danh chia sẻ: “Năm 2016, trong lúc khó khăn tôi được cán bộ Đoàn xã hướng dẫn làm hồ sơ vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư trồng 100 gốc bưởi đào. Năm 2019, khi có thu nhập từ bưởi, tôi đầu tư chăn nuôi vịt. Nhờ nguồn vốn tiếp sức, từ năm 2020 đến nay, gia đình tôi có thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm từ trồng bưởi và chăn nuôi. Năm 2021, tôi tiếp tục làm hồ sơ vay 50 triệu đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi và trồng thêm 150 cây dẻ”.
Đoàn viên thanh niên thôn Quảng Tiến 1, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn chăm sóc vườn bưởi sau thu hoạch
Cũng như anh Danh, nhiều thanh niên trong toàn tỉnh đã vươn lên xây dựng thành công các mô hình kinh tế từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Tiêu biểu như anh Vi Văn Tỉnh, thôn Phá Lạn – Nà Toản, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình. Trước đây, cuộc sống gia đình anh rất khó khăn, chỉ làm mấy sào ruộng nên không có thu nhập ổn định. Năm 2016, được sự tư vấn của Đoàn xã, gia đình anh đã mạnh dạn làm hồ sơ vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư trồng 3 ha bạch đàn. Năm 2021, toàn bộ diện tích rừng của gia đình anh cho khai thác đem lại thu nhập trên 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Anh Tỉnh cho biết: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, kinh tế gia đình tôi đã khấm khá hơn trước, tháng 1/2022, gia đình tôi tiếp tục vay vốn NHCSXH để chăm sóc rừng bạch đàn và trồng mới một số diện tích đồi rừng còn trống.
Đó chỉ là 2 trong nhiều trường hợp đoàn viên thanh niên được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển các mô hình kinh tế. Tính đến cuối tháng 3/2022, tổng dư nợ ủy thác qua Tỉnh đoàn đạt trên 695 tỷ đồng, tăng 9,6 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021 với 16.788 lượt hộ vay. Các mô hình kinh tế của thanh niên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…
Anh Lăng Văn Chí, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Xác định công tác ủy thác vốn vay ưu đãi với NHCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp, Tỉnh đoàn đã tích cực chỉ đạo các huyện, thành đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng sử dụng vốn cho đoàn viên thanh niên. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) về nghiệp vụ quản lý vốn vay.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn vốn, hằng năm, Tỉnh đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay. Trong năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã kiểm tra được 100% huyện, thành đoàn, 11 xã, 27 tổ TK&VV, 38 hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có ý thức trả gốc, trả lãi đúng kỳ hạn, chất lượng tín dụng đảm bảo. Hiện nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07% (thấp hơn mức cho phép).
Đặc biệt, để đoàn viên thanh niên sử dụng vốn hiệu quả, Tỉnh đoàn tích cực vận động, tuyên truyền thanh niên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất. Trong năm 2021, Tỉnh đoàn đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 28.378 đoàn viên thanh niên; giới thiệu việc làm cho 4.560 thanh niên.
Từ hiệu quả nguồn vốn, hiện nay, toàn tỉnh có 347 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng/năm. Trong năm 2021, Tỉnh đoàn giúp đỡ 100 thanh niên nghèo là chủ hộ vươn lên thoát nghèo. Từ đó có thể khẳng định, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng, đã trở thành “điểm tựa” giúp thanh niên có điều kiện khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
“Những năm qua, Tỉnh đoàn luôn chủ động, tích cực chỉ đạo đoàn thanh niên các cấp phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Đơn vị luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên để thực hiện nhiệm vụ ủy thác vốn; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc ở cơ sở với ngân hàng để giải quyết. Song song với đó, tỉnh đoàn luôn quan tâm củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV trực thuộc, 100% các tổ TK&VV hoạt động tốt, khá. Nguồn vốn đã tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho gia đình cũng như địa phương.” Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh |
Ý kiến ()