Tín dụng chính sách: Công cụ hỗ trợ trực diện cho phụ nữ làm giàu
Có điểm tựa từ nguồn vốn chính sách, nhiều chị em đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu đã mạnh dạn thay đổi tư duy nuôi trồng, triển khai những mô hình kinh tế sáng tạo…
Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã chỉ ra bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo. Chính vì vậy, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một công cụ trực diện giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.
Đây là quan điểm và đích đến mà Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hướng đến thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua.
Khi phụ nữ “xắn tay” làm kinh tế
Về Lai Châu, câu chuyện những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số “xắn tay” cùng chồng lo toan phát triển kinh tế gia đình không phải là hiếm. Như gia đình chị Lã Thị Nhung ở bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, trước đây, mặc dù hai vợ chồng chịu thương chịu khó lao động nhưng thu nhập hàng năm vẫn không đủ trang trải, cuộc sống rất khó khăn.
Năm 2018, với việc mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chị đã nghe theo lời tư vấn của tổ trưởng tổ tiết kiệm và Hội Phụ nữ xã vay vốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư một quán tạp hóa phục vụ bà con trong bản với số tiền vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng với những kinh nghiệm và tích lũy buôn bán, chị đã mở rộng, đa dạng hóa hàng, thu nhập gia đình cũng theo đó khấm khá dần đạt bình quân 100 triệu đồng/năm.
Có điểm tựa từ nguồn vốn chính sách, nhiều chị em đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu đã mạnh dạn thay đổi tư duy nuôi trồng, triển khai những mô hình kinh tế sáng tạo hướng tới những sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao.
Như ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên, chị Lò Thị Thực cùng với 3 hộ khác đang triển khai mô hình trồng rau muống hữu cơ trên diện tích 70m².
“Để rau phát triển tốt, đem lại thu nhập chúng tôi xác định phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Vì vậy, đã lựa chọn sử dụng phân hữu cơ bằng cách ủ các loại phân chuồng và phân bón hữu cơ. Nhờ đó, rau phát triển tốt, được người dân ưa chuộng và đặt hàng nhiều,” chị Thực cho biết.
Trung bình 20 ngày các hộ gia đình thu hoạch một lần. Năm 2021, từ mô hình trồng rau hữu cơ, đã thu về số tiền gần 60 triệu đồng. Thời gian tới, chị Thực cùng các hộ tiếp tục trồng thêm những giống rau khác để đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.
Phát huy nguồn vốn chính sách
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lai Châu, hiện nay, Hội đang quản lý gần 400 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 12.590 hộ vốn với tổng dư nợ tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu đạt gần 700 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã và đang phát huy trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững,” giai đoạn 2016-2020, đã giúp hơn 500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh gần 4,78%/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Không chỉ riêng Lai Châu, nguồn vốn chính sách thông qua các cấp Hội Phụ nữ cũng đang “thấm đẫm” vào đời sống từ thành thị đến những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo dần ăn mòn những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục trong đời sống vốn làm cho phụ nữ trở thành nhóm xã hội cực khổ nhất, đưa họ từng bước vươn lên trở thành một trong những chủ nhân trụ cột của gia đình và xã hội.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội do hội quản lý ngày một nâng cao khi hàng năm, 100% Hội Phụ nữ các cấp đều xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát theo quy định. Bên cạnh đó, hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về quy trình bình xét, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn các thủ tục, quy định mới trong hoạt động ủy thác, các kỹ năng. Chỉ riêng năm 2021, đã có trên 2.400 lớp tập huấn được tổ chức, với trên 75.000 cán bộ hội và Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia.
Kết quả của sự nỗ lực này thể hiện rõ trong bức tranh hoạt động của hội. Tính đến 31/12/2021, dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ đứng đầu trong 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác đạt 93.991 tỷ đồng, chiếm 38,41% tổng dư nợ ủy thác, tăng 7.040 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Nợ quá hạn cũng thấp nhất, chỉ chiếm tỷ lệ 0,19%, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,36% tổng dư nợ nhận ủy thác. Có 62.852 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý đã góp phần đưa nguồn vốn chính sách đến với 2,4 triệu khách hàng. Ngoài ra, 99,99% số tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 6.160 tỷ đồng (tăng 768 tỷ đồng so với năm 2020) cũng phần nào cho thấy hiệu quả của nguồn vốn này khi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác không chỉ có “của ăn” mà còn có “của để”.
Hội Liên hiệp phụ nữ sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Hội cũng tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, hội cũng tích cực tham gia vào các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản suất kinh doanh điển hình… để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội./.
Ý kiến ()