Tín dụng chật vật hướng mốc tăng trưởng 12%
Qua hơn 11 tháng, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới tăng trưởng hơn 7%, trong khi mục tiêu của cả năm 2013 mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra từ đầu năm là khoảng 12%. Trước kết quả này, nhiều ý kiến đã được các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngân hàng đưa ra thể hiện các nhận định khác nhau chung quanh việc tín dụng có khả năng đạt hay không đạt mốc trên.
Qua hơn 11 tháng, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới tăng trưởng hơn 7%, trong khi mục tiêu của cả năm 2013 mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra từ đầu năm là khoảng 12%. Trước kết quả này, nhiều ý kiến đã được các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngân hàng đưa ra thể hiện các nhận định khác nhau chung quanh việc tín dụng có khả năng đạt hay không đạt mốc trên.
Lực cầu tín dụng thấp
Trước đây, cuối năm thường là thời điểm tín dụng tăng mạnh hơn so các thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo ngân hàng đều thừa nhận, tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu tăng tốc. Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 8-11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 7,03% (chưa tính các khoản xử lý rủi ro và bán nợ cho VAMC). Như vậy, chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa kết thúc năm 2013, để đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm đạt mức 12% thì thời gian còn lại tín dụng toàn hệ thống phải đạt gần 5%. Ðây quả thực là một thách thức không nhỏ đối với toàn hệ thống ngân hàng khi hiện tại lực cầu tín dụng của nền kinh tế chưa cao.
Một số lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, mặc dù đã vào mùa chuẩn bị hàng Tết, mùa tiêu dùng, mua sắm cuối năm,… nhưng hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa sôi động như mọi năm. Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) Trần Xuân Quảng cho biết, so thời điểm này của các năm trước, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay không cao bằng. Theo ông Quảng, kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn. Nhu cầu về đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so các năm, việc tính toán lựa chọn triển khai dự án cũng rất thận trọng. Khó khăn cũng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế sức tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp.
Với lực cầu tín dụng còn thấp như vậy, nhiều lãnh đạo ngân hàng khẳng định, đạt kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng mạnh trong dịp cuối năm là điều không dễ dàng. Thực tế các ngân hàng rất mong đẩy mạnh vốn cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm, nhưng để tìm kiếm được khách hàng tốt cho vay trong lúc này là không đơn giản.
Chuyên gia kinh tế Vũ Ðình Ánh cũng cho rằng: Hiện nay, với việc xử lý nợ xấu có dấu hiệu cải thiện, thanh khoản dồi dào nên bản thân các ngân hàng cũng rất muốn đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, do họ chưa nhìn thấy nhiều dự án tốt để “rót” vốn, hoặc còn e ngại tiềm ẩn rủi ro đối với một số dự án. Bởi vậy, không tránh khỏi việc các ngân hàng có tâm lý thận trọng, kiểm soát cho vay chặt chẽ hơn. Trong khi đó, phía người đi vay cũng tỏ ra thận trọng hơn trong vấn đề tiếp cận vốn. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, họ cũng phải tính toán cẩn thận nguồn trả nợ, cũng như khả năng sinh lời từ đồng vốn vay.
Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, một số lãnh đạo NHNN bày tỏ tin tưởng, mục tiêu tín dụng tăng trưởng 12% là hoàn toàn khả thi. Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định: “Chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của năm nay ở mức 11-12%”.
Bảo đảm chất lượng
Trước sự chật vật của tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay, mặc dù có nhiều ý kiến nhận định tăng trưởng tín dụng có thể không đạt được mục tiêu như đã đề ra, nhưng để đạt được con số tăng trưởng tín dụng hơn 7% đến thời điểm này trong bối cảnh kinh tế khó khăn có thể thấy đây là một sự nỗ lực không nhỏ của toàn hệ thống ngân hàng. Dù tín dụng tăng trưởng thấp nhưng chất lượng đã được cải thiện đáng kể. Dòng vốn đã được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là khu vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa,…
Số liệu từ Vụ Tín dụng (NHNN) cho thấy: Chín tháng, tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn đều tăng (ngắn hạn tăng 4,44%; trung và dài hạn tăng 10,54%). Một số ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao như: Cho vay lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chín tháng tăng 16,75%; khai khoáng chín tháng tăng 12,27%, kinh doanh bất động sản chín tháng tăng 11,04%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí chín tháng tăng 10,36%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chín tháng tăng 25,92%;… Dư nợ cho vay đối với một số thành phần kinh tế như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện: Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước đến 30-9 đạt hơn 540 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm số dư trái phiếu và ủy thác đầu tư) chiếm tỷ trọng 16,36% so tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế, tăng 3,25% so cuối năm 2012; cho vay nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến tháng 9-2013 đạt hơn 139 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,2% tổng dư nợ cho vay và tăng 3,7% so cuối năm 2012.
Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo ngân hàng đã đồng quan điểm khi cho rằng, lúc này, chỉ tiêu tăng trưởng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Theo chuyên gia Vũ Ðình Ánh, không nhất thiết phải làm sao đẩy cao tốc độ tăng trưởng tín dụng. Vấn đề là phải có những biện pháp, chính sách để nền kinh tế sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã cung ra trong thời gian qua.
Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra, góp phần xử lý nợ xấu, Vụ trưởng Tín dụng (NHNN) Nguyễn Viết Mạnh cho biết, NHNN tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. NHNN chỉ đạo các TCTD bảo đảm vốn cho vay đối với ngư nghiệp; đặc biệt tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại do cơn bão số 10 vừa qua; đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở; tiếp tục tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án lớn hiệu quả và các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế;… Ngoài ra, đối với các TCTD có khách hàng, dự án tốt, hiệu quả và có nhu cầu tăng chỉ tiêu tín dụng và có nguồn vốn lành mạnh, vững chắc sẽ được NHNN xem xét điều chỉnh phù hợp.
Cùng với những chính sách hỗ trợ, định hướng của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng đang triển khai tích cực chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các TCTD hiện đang tích cực xử lý nợ xấu và triển khai các giải pháp phòng ngừa nợ xấu gia tăng; tiếp tục rà soát, đánh giá để phân loại khách hàng và thực hiện cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 của NHNN. Theo đó, xem xét tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ và cho vay mới đối với những khách hàng khó khăn tạm thời trong sản xuất, kinh doanh nhưng có phương án vay mới khả thi; xem xét miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của mình;… Xem xét cơ cấu lại từ vốn ngắn hạn sang cho vay trung, dài hạn, bảo đảm thời hạn cho vay phù hợp chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ đối với những doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Ðặc biệt, NHNN cho phép các TCTD không xem xét các điều kiện về các khoản nợ cũ khi khách hàng muốn vay vốn mới, trong đó có phương án sản xuất, kinh doanh mới bảo đảm tuân thủ quy chế cho vay.
Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, tổng cầu chưa có nhiều cải thiện, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay thật sự là thách thức đối với ngành ngân hàng. Do đó, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng bày tỏ quan điểm: Ðể NHNN làm tốt vai trò của mình, cụ thể về mục tiêu tăng trưởng tín dụng, cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, lưu thông dòng vốn, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu khu vực đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()