Timor Leste tổ chức hội nghị toàn cầu về phát triển bền vững tại các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột
Sáng 22/5, Hội nghị toàn cầu về Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc (LHQ) chính thức khai mạc tại thủ đô Dili của Timor Leste với sự tham dự của hàng trăm đại biểu, đại diện cấp cao của Tổng Thư ký LHQ; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); đại diện các chính phủ Thụy Điển, Sierra Leon cùng các tổ chức dân sự xã hội, khu vực tư nhân và các quan chức cấp cao nước chủ nhà.
Chính phủ Timor Leste tổ chức hội nghị trong 2 ngày với đối tác là các thành viên quốc tế thuộc nhóm Hỗ trợ cấp cao vì Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Ban thư ký Nhóm g7 gồm các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và đang hồi sinh nhằm đánh giá “Lộ trình Phát triển bền vững tại các quốc gia kém phát triển và bị ảnh hưởng bởi xung đột”. Đây là một trong những kế hoạch thuộc cơ chế Hợp tác Nam – Nam, hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển.
Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị, tân Tổng thống Timor Leste Francisco Gutteres (Phran-xi-xcô Gu-tê-rết) khẳng định, là một quốc gia trong thời kỳ hậu chiến, kể khi quốc gia này ra đời năm 2002, Timor Leste đang trên lộ trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ông nêu rõ Timor Leste có vinh dự được chia sẻ kinh nghiệm của riêng mình về mục tiêu phát triển này. Theo đó, các mục tiêu chiến lược chính trong lộ trình tới năm 2030 mà nước chủ nhà Timor Leste đề ra tại hội nghị này gồm: xóa đói giảm nghèo; y tế và sức khỏe; bình đẳng giáo dục; nước sạch và vệ sinh; bình đẳng giới; năng lượng sạch; việc làm và tăng trưởng kinh tế; sáng tạo và cơ sở hạ tầng; xóa bỏ bất bình đẳng; môi trường biển; biến đổi khí hậu…
Trước đó, trong diễn văn giới thiệu hội nghị, đại diện Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Từ Hạo Lương (Haoliang Xu) đã nhấn mạnh tới cam kết của tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này về duy trì hòa bình bền vững, đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thực thi các nhiệm vụ phát triển nhân đạo.
Được thành lập năm 2010, Nhóm g7 là một hiệp hội liên chính phủ của 20 quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và đang hồi sinh gồm Chad, CH Trung Phi, Guinea-Bissau, Guinea, Sierra Leon, Liberia, Cote d'Ivoire, Togo, Sao Tome, CHDC Congo, Burundi, Afghanistan,Yemen, Somalia, Nam Sudan, Comoros, Timor Leste, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon.
Với khẩu hiệu “Tình nguyện, Đoàn kết và Hợp tác”, Nhóm g7 cam kết tạo nền tảng cho các thành viên cùng thúc đẩy hòa bình thông qua đối thoại, kiến tạo hòa bình tại từng quốc gia và xây dựng đất nước để hướng tới phát triển bền vững, đẩy mạnh học hỏi của các nước có cùng kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()