Tìm thấy nghĩa địa voi ma mút
Các nhà khảo cổ học lần đầu tiên phát hiện ra ít nhất 5 bộ xương voi mamút tại một khu vực rộng hơn 80,000m2 trong một hầm mỏ lộ thiên Kostolac thuộc Belgrade, Serbia vào tuần trước.
Các chuyên gia cho rằng những con vật khổng lồ này – có liên hệ với loài voi ngày nay – từng sinh sống ở Serbia hàng chục ngàn năm trước đây.
Các nhà khảo cổ đang khai quật một cái ngà của voi mamút. Ảnh: AP |
Miomir Korac, thuộc viện khảo cổ Serbia cho biết, phát hiện này sẽ cung cấp cái nhìn thấu đáo hơn về vùng Balkan trong kỷ băng hà. “Một khu vực gồm toàn xương voi mamút sẽ cho ta những thông tin đáng giá và hé lộ về cuộc sống trong kỷ băng hà ở khu vực này.”
Những bộ xương này được tìm thấy trong lúc các công nhân đang đào than đá ở một hầm mỏ nằm dưới mặt đất 20 mét. Korac cho biết, khu vực này rộng hơn 80.000m2, gồm toàn đất cát.
Theo Sanja Alaburic, chuyên gia về voi mamút thuộc Viện bảo tàng Tự nhiên của Serbia, những bộ xương này thuộc về loài voi mamút lông dài, đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm. “Phát hiện này rất thú vị vì hiếm khi những bộ xương voi mamút lại được gom chung một chỗ, có thể nước mưa chảy xiết đã gom chúng lại đây.”
Hiện các nhà khảo cổ Serbia đã liên hệ với các đồng nghiệp tại Pháp và Đức để nhờ giúp đỡ. Bởi ít nhất phải mất 6 tháng để khai quật hết tất cả các bộ xương này.
Theo Dailymail, các nhà khảo cổ từng phát hiện một bộ xương voi mamút cái khoảng 500.000 năm tuổi vào năm 1996 phía bắc Serbia và hiện nó đang được trưng bày tại thị trấn Kikinda, gần biên giới Hungary. Mới đây nhất vào năm 2009, một bộ xương voi mamút cái trong tình trạng còn rất hoàn hảo hơn 1 triệu năm tuổi cũng được tìm thấy tại đây.
Ý kiến ()