Tìm thấy bản sao của hệ Mặt Trời
Đài thiên văn Nam Âu tìm thấy 7 hành tinh xoay quanh một ngôi sao cách trái đất khoảng 127 năm ánh sáng.
APcho biết, các nhà khoa học của Đài Thiên văn Nam Âu (ESO) vừa công bố phát hiện của họ tại một cuộc hội thảo thiên văn quốc tế tại Pháp. Thái Dương Hệ có 8 hành tinh xoay quanh mặt trời, trong khi hệ vừa tìm thấy có 7 hành tinh xoay quanh ngôi sao mang tên HD 10180.
Giới khoa học đã tìm kiếm các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời trong 15 năm qua và phát hiện chừng 450 hành tinh như vậy. Phần lớn hệ hành tinh mà họ thấy chỉ có một, hai hoặc ba hành tinh xoay quanh một ngôi sao. Các hành tinh đó là những khối cầu khí khổng lồ có kích thước sánh ngang sao Mộc hoặc sao Thổ.
“Chúng tôi nhận thấy đây có thể là hệ thiên thể có nhiều hành tinh nhất mà con người từng biết”, Telegraphdẫn lời tiến sĩ Christophe Lovis, trưởng nhóm nghiên cứu của Đài thiên văn Nam Âu.
Telegraphcho biết ngôi sao HD 10180 nằm ở phía nam chòm sao Hydrus (Thủy Xà) và cách trái đất 127 năm ánh sáng.
Lovis nói nhóm nghiên cứu có nhiều lý do để tin rằng còn có hai hành tinh nữa đang xoay quanh HD 10180. Một có kích thước tương đương sao Thổ với khối lượng lớn hơn trái đất ít nhất 65 lần và di chuyển một vòng quanh ngôi sao trong 2.200 ngày. Hành tinh kia có khối lượng gấp khoảng 1,4 lần địa cầu. Khoảng cách từ nó tới ngôi sao chỉ bằng 2% khoảng cách từ trái đất tới mặt trời. Đây có thể là hành tinh nhỏ nhất mà con người tìm thấy bên ngoài Thái Dương Hệ.
“Một năm trên hành tinh này tương đương 1,18 ngày trên địa cầu”, APLovis nhận định.
Hành tinh nhỏ nhất nói trên có thể được tạo nên bởi đá giống trái đất, song nhiệt độ bề mặt của nó quá nóng để sự sống có thể tồn tại.
Ý kiến ()