Tìm sức sống mới cho làng cổ ngoại thành Hà Nội
Làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, là một trong những ngôi làng cổ mang đậm bản sắc của vùng ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, nhiều công trình cổ tại đây đang xuống cấp và việc khai thác phát triển các tua du lịch tham quan còn mang tính tự phát, manh mún. Làm thế nào để duy trì và phát huy nét kiến trúc độc đáo của làng Cựu là niềm trăn trở nhiều năm của TS Lê Quỳnh Chi, Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Trường đại học Xây dựng Hà Nội và nhóm nghiên cứu của mình.
Làng Cựu vẫn còn lưu giữ 49 ngôi nhà cổ tuổi đời khoảng 100 năm. Nơi đây từng được người dân khắp nơi ca ngợi là “làng thợ may đệ nhất Hà thành”. Cách đây hơn một thế kỷ, những người dân ở làng lên Hà Nội làm ăn, học được nghề may, kinh doanh phát đạt rồi trở lại quê hương xây dựng những ngôi nhà khang trang và nghề may từ đó cũng trở thành nghề truyền thống của dân làng. Tại đây, dù màu thời gian đã phủ lên những nếp nhà xưa cũ nhưng vẫn không khỏa lấp được những nét kiến trúc độc đáo, đan xen hài hòa của văn hóa Ðông – Tây. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều căn nhà cổ nơi đây đã bị xuống cấp, trong khi có không ít ngôi nhà mới khang trang được dựng lên. Những con đường lát đá xanh của quá khứ đã dần nhường chỗ cho các con đường bê-tông kiên cố. Năm 2012, về thăm làng Cựu, TS Lê Quỳnh Chi đã sớm “phải lòng” trước vẻ đẹp độc đáo của ngôi làng này và suy nghĩ phải làm thế nào để mang đến sức sống mới, nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị vật thể.
Vốn là một nhà khoa học, chuyên nghiên cứu về bảo tồn di sản, lại từng tham gia nhiều dự án, đề tài về bảo tồn ở nhiều nước, TS Lê Quỳnh Chi đã dành nhiều thời gian, công sức trao đổi với nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế để tìm lối đi phù hợp nhất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của làng Cựu. Trong việc giảng dạy, hằng năm, chị đều đưa sinh viên ngành quy hoạch về làng Cựu để cảm nhận được vẻ đẹp, nghiên cứu về di sản kiến trúc và quy hoạch ngôi làng cổ. Sau đó, các sinh viên sẽ đưa ra những ý tưởng, đề xuất giải pháp, từ đó chị và các cộng sự tập hợp, chọn ra những ý tưởng phù hợp nhất để thực hiện. TS Lê Quỳnh Chi cũng đã chủ trì, hướng dẫn nhiều đề tài khoa học liên quan kiến trúc làng Cựu như: “Ðặc điểm và giá trị không gian cảnh quan kiến trúc làng Cựu”, “Nhận diện giá trị giao thoa văn hóa Ðông – Tây trong không gian kiến trúc quy hoạch và thách thức cho công tác bảo tồn làng ngoại thành – Làng Cựu”… Ðáng chú ý, năm 2014, đồ án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển du lịch làng Cựu” do chị hướng dẫn đã đoạt giải nhì Ðồ án tốt nghiệp quy hoạch xuất sắc của Hội Quy hoạch.
TS Lê Quỳnh Chi cho biết, điều quan trọng là cố gắng giữ những nếp nhà cổ và mang đến sức sống mới cho ngôi làng. Ðể thực hiện được điều đó, chị đã đề xuất chính quyền địa phương thực hiện dự án bảo tồn và phát triển làng nghề may – du lịch Cựu. Từ đó, nhóm tiên phong ra đời, quy tụ nhiều người từ các lĩnh vực khác nhau, bao gồm các nhà khoa học, doanh nghiệp kết nối đầu tư FDI, kiến trúc sư và giới truyền thông… Phương pháp tiếp cận khá đa chiều nhằm thúc đẩy dự án đi vào đời sống thực tế. “Ðể thực hiện dự án, chúng tôi phải đối mặt với không ít khó khăn. Ðầu tiên là cuộc sống của người dân. Bảo tồn nhưng cũng phải đi kèm phát triển kinh tế, có như thế mới có được sự bền vững. Hiện tại, chúng tôi đang đề xuất mô hình biến làng Cựu trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo mới của tiểu vùng văn hóa phía nam Hà Nội quy tụ các nghệ nhân giỏi ở “đất trăm nghề” Phú Xuyên đến đây nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng phát triển nghề may vốn đã mai một. Mục tiêu là tạo ra thương hiệu nghề may làng Cựu”, TS Lê Quỳnh Chi chia sẻ.
Trước đây, việc thực hiện dự án bảo tồn và phát triển du lịch ở làng Cựu vẫn gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn. Rất may, năm 2019, tình cờ TS Lê Quỳnh Chi gặp gỡ ông A. Xê-bát-ti-a-nen-li, Chủ tịch Công ty Desk Italia, một người có tâm huyết với công tác bảo tồn di tích và từng có nhiều thời gian sinh sống tại Việt Nam. Sau khi tìm hiểu, ông Xê-bát-ti-a-nen-li muốn chung tay, góp sức để cùng thực hiện dự án, nhất là trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của địa phương. Ðầu năm nay, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch Trường đại học Xây dựng Hà Nội cùng nhóm nghiên cứu của TS Lê Quỳnh Chi và Công ty Desk Italia đã tổ chức buổi lễ giới thiệu đề án khôi phục làng Cựu, thu hút sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan như Hiệp hội Làng nghề, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cùng các nghệ sĩ, họa sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cộng đồng… Buổi lễ cũng bao gồm triển lãm các bức ảnh nghệ thuật khắc họa nét đẹp và đời sống tại làng Cựu. Theo ông Xê-bát-ti-a-nen-li: “Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và văn hóa là con đường phát triển lâu dài của không chỉ ở làng Cựu mà ở các di sản khác ở Việt Nam. Ðây là dự án rất có tiềm năng để phát triển và mục tiêu đặt ra vẫn là du khách đến đây sẽ còn quay lại chứ không chỉ đến một lần”.
Chủ tịch UBND xã Vân Từ Nguyễn Ngọc Dương cho biết: Chính quyền địa phương hết sức ủng hộ dự án do TS Lê Quỳnh Chi và các thành viên khác thực hiện bởi nó rất thiết thực. Trước đây, hoạt động khai thác du lịch chỉ mang tính lẻ tẻ, tự phát và không mang lại nhiều giá trị cả về bảo tồn di tích lẫn phát triển kinh tế. Ðịa phương cũng đang rất mong chờ dự án sớm được triển khai bởi có như vậy, làng Cựu mới phát huy được hết những giá trị vốn có. Theo TS Lê Quỳnh Chi, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án bị chững lại và mới đây, chị và các thành viên tiếp tục triển khai và trong nay mai, du khách sẽ sớm cảm nhận được một làng Cựu cũ mà mới. Cũ với những đường nét kiến trúc được bảo tồn, gìn giữ, mới với những chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút được du khách trong và ngoài nước.
Ý kiến ()