Tìm ra phương pháp điều trị ung thư da
Trong nghiên cứu công bố ngày 11/9 trên Tạp chí New England Journal of Medicine, các nhà khoa học Australia cho biết qua 2 thí nghiệm, họ đã thành công bước đầu trong việc ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng ở các bệnh nhân giai đoạn 3 đã phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Các nhà nghiên cứu Australia đã tiến hành 2 thí nghiệm riêng rẽ, mỗi thí nghiệm kéo dài 12 tháng và cả 2 đều cho kết quả thành công trong việc ngăn ngừa bệnh lây lan.
Ở thí nghiệm thứ nhất, các nhà khoa học đã “đóng băng” được hoạt động của một gene đặc thù mang tên BRAF đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của khối u ác tính.
Việc này không chỉ giúp ngăn chặn sự tái phát của khối u ác tính ở những bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u mà còn giúp nâng cao tỉ lệ sống sót của người bệnh.
Ở thí nghiệm thứ 2, các nhà khoa học đã kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công tế bào u ác tính, kết quả cho thấy phương pháp này làm giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Bà Georgina Long, Giám đốc Viện U ác tính Australia cho biết kết quả nghiên cứu mới sẽ thay đổi cách điều trị ung thư hắc tố cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân mắc bệnh này.
Với bước tiến mới này, mục tiêu biến ung thư hắc tố từ căn bệnh chết người trở thành căn bệnh mãn tính giờ đã gần hơn rất nhiều.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 30% số ca ung thư trên toàn thế giới là ung thư da, trong đó Australia là nước có tỉ lệ mắc u hắc tố cao nhất.
Ước tính, cứ 5 giờ đồng hồ lại có một người Australia chết vì ung thư hắc tố. Phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể chữa khỏi bệnh cho khoảng 90% bệnh nhân, 10% còn lại là người bệnh bị tế bào ung thư di căn do phát hiện quá muộn.
Cho tới nay, những bệnh nhân ở giai đoạn 3 đã phẫu thuận cắt bỏ khối u vẫn có nguy cơ biến chứng và tử vong cao (40-70%). Họ thường phải chờ đợi căng thẳng trong thời gian dài để xem khối u có di căn hay lan rộng hay không. Quá trình chờ đợi này thường rất nặng nề đối với người bệnh cũng như người thân trong gia đình.
Ý kiến ()