Tìm nguồn thu khả thi để hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam đã ra đời với mục đích đóng góp hiệu quả cho việc xúc tiến, quảng bá nhưng chưa thể vận hành vì còn có khó khăn, vướng mắc.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam. Dù kinh phí dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế nhưng ngành du lịch nước ta đã nỗ lực để công tác này ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần thu hút thêm nhiều khách quốc tế.
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam đã ra đời với mục đích đóng góp hiệu quả cho việc xúc tiến, quảng bá nhưng chưa thể vận hành vì còn có khó khăn, vướng mắc.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Năm 2018, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam chính thức ra đời. Quyết định thành lập cũng nêu rõ đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Vốn điều lệ của Quỹ là 300 tỷ đồng, được cấp trong 3 năm đầu sau khi thành lập và vốn này cần phải được bảo tồn.
Theo quy định, quỹ có các nguồn thu từ thị thực và các giấy tờ liên quan đến xuất, nhập cảnh (10% tổng thu) và 5% tổng thu nộp ngân sách từ nguồn thu phí tham quan các điểm đến du lịch, khuyến khích nguồn xã hội hóa đóng góp cho quỹ.
Theo nghiên cứu từ Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB): Các quỹ du lịch quốc gia trên thế giới có các phương pháp khác nhau để nâng cao nguồn tài chính tùy thuộc vào quy định và bối cảnh cụ thể của quốc gia đó.
Quỹ Xúc tiến du lịch Hàn Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc thành lập và quản lý có nhiều nguồn đóng góp tài chính. Đó là nguồn của chính phủ, khoản thuế đặc biệt thu được từ hành khách xuất cảnh khỏi đất nước (10.000 won/người), kinh doanh casino (10% doanh thu) và lợi nhuận thu được từ việc điều hành quỹ.
Các quỹ du lịch quốc gia khác quyên tiền từ thành viên và nhà tài trợ. Ví dụ, Quỹ Xúc tiến Hội nghị Thái Lan kêu gọi đóng góp của ngân sách chính phủ, Hãng hàng không Thai Airways International, thành viên sáng lập (hơn 70 công ty), các sự kiện gây quỹ, gia đình Hoàng gia Thái Lan, đơn vị nhận kinh phí và các nhà cung cấp khác.
Một trong những cách phổ biến nhất mà chính phủ các quốc gia trên thế giới quyên tiền cho quỹ du lịch là áp dụng thuế du lịch.
Trong những năm gần đây, có một xu hướng ngày càng tăng về thuế suất mang tên “thuế khách sạn” trên hóa đơn thanh toán của khách du lịch. Xu thế gia tăng này đã diễn ra trong suốt một thập kỷ qua và tiếp tục cho đến ngày nay. Các khoản phí này sau đó được chuyển cho tổ chức tiếp thị quốc gia hoặc chính quyền địa phương để quảng bá điểm đến và cải thiện dịch vụ.
Thuế du lịch được định nghĩa là “thuế đặc biệt đánh vào khách du lịch, thường thông qua các doanh nghiệp có giao dịch với khách du lịch. Thuế du lịch có thể là thuế nhập cảnh tại các sân bay, cảng, cửa khẩu biên giới, thuế khách sạn hoặc các loại thuế cụ thể khác của ngành du lịch”…
Thuế giường lưu trú (hoặc thuế phòng, thuế khách sạn, thuế lưu trú tại khách sạn, thuế lưu trú tại nhà nghỉ) và các loại thuế tương tự ngày càng phổ biến ở các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (chủ yếu ở cấp địa phương).
Tại một số điểm đến và thành phố, thuế khách sạn được áp dụng như một phương tiện để khuyến khích khách du lịch ở lại lâu hơn. Theo đó, người ta chỉ tính thuế trong ngày đầu tiên của kỳ lưu trú.
Vào năm 2012, tại Catalonia – một khu du lịch của Tây Ban Nha đã áp dụng thuế lưu trú tại các cơ sở lưu trú để gây quỹ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng của điểm đến trong ngành du lịch để tạo ra giá trị gia tăng cao. Quỹ chính là nguồn tài chính để quảng bá du lịch, bảo tồn và phát triển cơ sở hạ tầng, hoạt động du lịch của Catalonia.
Để khuyến khích du khách ở lại lâu hơn, thuế chỉ được áp dụng trong 7 ngày đầu tiên của khách tại cơ sở lưu trú và 12 ngày lưu trú đầu tiên tại tàu du lịch. Còn tại đảo Penang, Malaysia, từ tháng 6/2015, khách lưu trú tại khách sạn sẽ phải trả khoản thuế lưu trú có tên là “Phí chính quyền địa phương” với các mức khác nhau theo hạng sao của các cơ sở lưu trú. Cứ 2 tháng 1 lần số tiền thu được sẽ được nộp cho Hội đồng thành phố, sau đó được chuyển đến tài khoản ủy thác đặc biệt…
Quỹ của Việt Nam nên hướng đến hợp tác công-tư
Chủ trương hình thành Quỹ phát triển du lịch Việt Nam đã có từ lâu nhưng do vướng mắc về cơ chế, nguồn lực tài chính, nhân lực… nên phải đến cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ.
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được dành cho xúc tiến du lịch, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch và thực hiện các hoạt động truyền thông trong cộng đồng.
Đến nay, Tổng cục Du lịch đang tích cực cho việc hình thành bộ máy và con người… để vận hành quỹ sớm nhất. Ông Ðinh Ngọc Ðức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Quỹ hỗ trợ du lịch là mô hình chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên việc thực hiện gặp khá nhiều khó khăn, nhất là về mặt con người, bộ máy và cơ chế.
Ðể quỹ có thể phát triển và hoạt động bền vững, vai trò “nhạc trưởng” của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch đặc biệt quan trọng.
Liên quan đến việc vận hành quỹ, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) nhận thấy rằng theo quyết định của Thủ tướng thì quỹ do nhà nước sở hữu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đại diện chủ sở hữu; bổ nhiễm, miễn nhiệm cán bộ quản lý, điều hành cấp cao…
Do đó, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng cần sửa đổi, bổ sung, chính sách, cơ chế hoạt động theo hướng là một quỹ hợp tác đối tác công-tư, có sự tham gia tích cực, hiệu quả từ khối doanh nghiệp du lịch, hàng không với tính chuyên nghiệp, trách nhiệm giải trình cao nhất trước nhà nước, xã hội về hoạt động.
Thêm vào đó, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam cần hội đồng quản trị đa dạng để tăng tính khả thi trong việc thu hút nguồn kinh phí cho quỹ. Mặc dù việc thu hút các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có được đặt ra nhưng trên thực tế sẽ kém khả thi, nguồn thu nếu có sẽ không đáng kể. Bởi hiếm có doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào sẵn lòng tài trợ, đóng góp cho một quỹ hoàn toàn do nhà nước quản lý…
Riêng về 2 nguồn thu của quỹ như đã nêu trên, các chuyên gia của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng chưa thực sự hiệu quả.
Bởi lẽ nguồn thu trích từ phí cấp thị thực cho người nước ngoà không phù hợp với thực tiễn của các quỹ phát triển du lịch ở các nước khác, vừa mâu thuẫn với đề xuất của ngành du lịch về việc tiếp tục mở rộng danh sách miễn thị thực du lịch đơn phương (tối thiểu ngang bằng với chính sách của Thái Lan)…
Nguồn thu trích từ phí tham quan các điểm du lịch cũng có ít tính khả thi vì các khoản phí này hiện đang thuộc quyền quản lý của các địa phương. Trong hệ thống thu-chi ngân sách hiện hành, việc để 5% nguồn thu phí tham quan ở các địa phương “chảy” được vào Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch là cả một vấn đề nan giải.
Do đó, riêng về nguồn thu, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam khuyến cáo nguồn thu chính phải là phí du lịch hoặc thuế du lịch như rất nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện…/.
Ý kiến ()