Tìm lối ra cho giáo dục đại học
Ðại hội Ðảng lần thứ XI đã nêu ba đột phá cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn hiện nay, mà đột phá quan trọng nhất là “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Giáo dục đại học (GDÐH) là công cụ quan trọng để phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, do đó những vấn đề nổi cộm của GDÐH hiện nay làm cho những người có tâm huyết với giáo dục (GD) và cả xã hội lo lắng.
Trước hết hãy xem xét về tính ổn định của hệ thống và mạng lưới các trường đại học (ÐH) và cao đẳng. Việc nâng cấp ồ ạt các trường công lập trong mấy năm qua tạo nên quá nhiều trường không tương xứng với danh hiệu của chúng. Nhiều trường ngoài công lập (NCL) cảm thấy Nhà nước một mặt đưa ra đường lối xã hội hóa, khuyến khích họ thành lập và đóng góp phát triển GD, nhưng mặt khác lại áp dụng một số chính sách cụ thể gây khó khăn cho sự phát triển của họ. Ðối với cả hệ thống thì GDÐH phát triển nhanh về số lượng nhưng giảm sút về chất lượng. Tất cả tình hình nói trên cho thấy GDÐH chưa đi vào thế phát triển ổn định, bền vững, đó là điều đáng lo ngại.
Về số lượng và chất lượng đào tạo đại học
Chủ trương đại chúng hóa GDÐH đã được khẳng định từ Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP (Nghị quyết 14) của Chính phủ về “Ðổi mới cơ bản và toàn diện GDÐH”. Ðó là một chủ trương đúng đắn, vì kinh nghiệm quốc tế đã khẳng định: một nước muốn xây dựng một nền kinh tế công nghiệp phải có một nền GDÐH đại chúng, cụ thể là tỷ số sinh viên (SV) so với thanh niên ở độ tuổi đại học phải đạt trong khoảng từ 15% đến 50%. Còn về chất lượng đội ngũ được đào tạo phải đáp ứng nhu cầu đa dạng nhân lực trình độ cao của thị trường lao động. Trong thời đại hiện nay cả thế giới đều nhìn nhận rằng nhân lực chất lượng cao là nhân tố quyết định nhất để phát triển kinh tế – xã hội, do đó hầu hết mọi quốc gia đều ưu tiên phát triển GD, đặc biệt là GDÐH.
Vậy số lượng và chất lượng đào tạo ÐH của nước ta hiện nay như thế nào? Ðể nhận định về số lượng, có thể dẫn vài số liệu thống kê của UNESCO vào năm 2010 về tỷ số SV nói trên của một số nước: Mỹ 95%, Nga 76%, Mông Cổ 53%, Thái-lan 46%, Ma-lai-xi-a 42%, Trung Quốc 26%, Việt Nam 22%. Riêng Hàn Quốc đạt một tỷ số đặc biệt là 103% vì trong đội ngũ SV có nhiều người trên độ tuổi đại học. Như vậy tỷ số mà nước ta đạt được chưa phải là cao so với các nước đang phát triển trong khu vực, do đó chúng ta không nên sợ quá thừa SV đại học.
Ðiều đáng lo ngại chính là chất lượng. Có lẽ không cần nói nhiều về chủ đề này vì lẽ thông tin từ truyền thông và từ nhiều nghiên cứu đã phản ánh chất lượng GDÐH có phần giảm sút so với trước đây và không đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp của thị trường lao động. Tuy rất thiếu nhân lực nhưng nhiều tập đoàn, công ty không tuyển được người.
Nguyên nhân chất lượng giáo dục đại học thấp
Vì sao chất lượng đào tạo ÐH không đáp ứng yêu cầu và giảm sút? Chỉ xin nêu ba nguyên nhân quan trọng sau đây. Một là, do sự phát triển quá nhanh trong mấy năm qua: nhiều trường được mở hoặc nâng cấp khi chưa đủ điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo. Hai là, chi phí đơn vị để đào tạo SV ở nước ta hiện nay quá thấp. Ba là, trong quản lý GDÐH chưa chú ý việc phân tầng về chức năng của hệ thống để đáp ứng nhu cầu đa dạng của sự phát triển kinh tế – xã hội. Nguyên nhân thứ nhất liên quan yếu kém về quản lý, ngành GD cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm việc cho phép mở trường, nâng cấp trường. Nguyên nhân thứ hai là do phương châm GD là quốc sách hàng đầu của Ðảng và Nhà nước chưa được quán triệt đầy đủ. Cuộc khảo sát GDÐH của Quốc hội năm 2010 đã cho thấy chi phí đơn vị trung bình (cho mỗi đầu SV một năm) của GDÐH nước ta chỉ khoảng 500 USD, mà đối với nhiều trường, kể cả một số trường trọng điểm, chi phí đó giảm xuống chỉ còn khoảng 300 USD vì tuyển quá đông SV. Theo thông lệ quốc tế, đối với các nước kém phát triển như nước ta muốn đào tạo bảo đảm chất lượng tối thiểu thì chi phí đơn vị cho GDÐH phải trên mức GDP đầu người, tức khoảng 1.200 USD vào năm 2010 (và khoảng 1.600 USD hiện nay). Làm sao tăng chi phí đơn vị trung bình lên cỡ hơn gấp hai lần? Khác với GD phổ cập, GDÐH không thể chỉ trông cậy vào ngân sách nhà nước, tuy ngân sách nhà nước phải là nguồn chủ đạo. Cần huy động thêm đóng góp của người học và của các thành phần NCL. Kinh nghiệm thế giới cho biết có thể huy động sự đóng góp thích đáng của người học nếu sử dụng chính sách học phí cao cộng hỗ trợ cao. Huy động học phí cao của tất cả những SV đủ khả năng đóng học phí, đồng thời có hỗ trợ cao cho những SV không đủ khả năng đó để họ có đủ tiền đóng học phí và học ÐH. Từ tháng 9-2007, một điểm sáng trong chính sách GDÐH của Chính phủ là đã thành lập một quỹ tín dụng cho học sinh, sinh viên vay (khoảng 45 nghìn tỷ đồng). Ðể phát huy tác dụng của quỹ một mặt cần quản lý sao cho nó được sử dụng đúng mục tiêu, mặt khác Chính phủ nên cố gắng tìm cách tăng quỹ này. Nếu quỹ tín dụng học sinh, sinh viên được tăng cỡ gấp đôi, mức học phí sẽ có thể tăng lên thích đáng, lúc đó có thể đủ chi phí đơn vị tối thiểu cho GDÐH, bảo đảm chất lượng GDÐH mà vẫn giữ được công bằng xã hội. Nếu thật sự xem GD là quốc sách hàng đầu thì tin rằng Chính phủ có thể tìm được nguồn để mở rộng quỹ, kể cả nguồn vay quốc tế.
Việc khắc phục nguyên nhân thứ ba liên quan khái niệm về phân tầng GDÐH. Luật GDÐH đã nêu rõ chủ trương phân tầng GDÐH. Hiện nay nhu cầu nhân lực khá đa dạng, hệ thống GDÐH nước ta cũng khá rộng lớn, do đó việc phân tầng là hết sức quan trọng. Phân tầng là có sự phân công về chức năng các nhóm trường để đáp ứng các nhu cầu khác nhau về nhân lực. Chẳng hạn, các trường ÐH trọng điểm cần chú trọng chất lượng hơn là số lượng để tập trung đào tạo nhân lực ÐH và sau ÐH có trình độ lý luận cao đối với các ngành khoa học và công nghệ nền tảng quan trọng. Các trường ÐH tầng thấp hơn, trong đó có các ÐH địa phương và ÐH NCL, cần đáp ứng những ngành nghề nặng về thực hành, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Các trường ÐH và cao đẳng cộng đồng cần gắn với mục tiêu tạo cơ hội ÐH cho số đông và đào tạo nghề phục vụ kinh tế – xã hội địa phương. Các ÐH mở là công cụ để đào tạo mở và từ xa, đào tạo một số lượng đông SV bằng các biện pháp công nghệ thích ứng bảo đảm chất lượng. Cần lưu ý là hệ thống GDÐH cần được phân tầng về chức năng, chứ không chỉ về chất lượng, vì đào tạo ở tầng nào cũng cần bảo đảm chất lượng theo quan niệm chất lượng là sự trùng khớp với mục tiêu. Trong thời gian qua, sự quản lý của ngành GD chưa theo các định hướng đó, cho nên mọi loại trường đều chạy theo số lượng để đào tạo ra hàng loạt SV kém chất lượng như nhau. Cụ thể là các trường ÐH tầng trên vẫn đào tạo số lượng SV rất đông, kể cả đào tạo không chính quy, quên mất phương châm của mình là cần chú trọng chất lượng hơn số lượng. Việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh của ngành GD cũng thể hiện ưu ái các loại trường này vì cho rằng các trường này có điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo hơn các ÐH tầng thấp. Cách làm đó vô hình trung làm giảm sự tập trung đào tạo trình độ cao của họ.
Chính sách đối với các trường ngoài công lập
Hệ thống các trường ÐH, cao đẳng NCL là một thành tựu của chủ trương xã hội hóa GDÐH: tận dụng sự tham gia và mở rộng sự thụ hưởng GDÐH từ xã hội, đồng thời tăng thêm nguồn lực cho GDÐH. Ðây là một biểu hiện của đường lối GD của Ðảng và Nhà nước, cần được thực hiện một cách nhất quán.
Trong hệ thống GDÐH NCL của chúng ta, các trường nhiều tuổi nhất mới khoảng hai thập niên, còn rất non trẻ. Vì lẽ đó cần xem đây là các trường thuộc tầng thấp trong hệ thống GDÐH. Tuy nói như vậy nhưng cũng có thể thấy các điểm sáng trong GDÐH NCL nước ta, đó là các trường đã có nhiều cố gắng để đứng vững và nâng cao chất lượng, thí dụ ÐH Thăng Long ở phía bắc, ÐH Duy Tân ở miền trung và ÐH Hoa Sen ở phía nam.
Tạo điều kiện để ra đời các ÐH NCL là thể hiện đường lối GD của Ðảng và Nhà nước nhưng việc thực hiện không được nhất quán. Chẳng hạn, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục – thể thao đã nêu rõ Nhà nước khuyến khích các trường tư theo mô hình không vì lợi nhuận, nhưng mọi quy chế cho ÐH NCL đến nay vẫn là loại hình vì lợi nhuận, cho đến Luật GDÐH mới nêu định nghĩa sơ bộ về trường không vì lợi nhuận. Một biểu hiện khác: trong mấy năm qua, ngành GD cho thành lập hàng loạt trường tư, nhưng gần đây chính ngành GD lại phê duyệt tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các ÐH công lập tầng trên, nơi sẵn có cơ sở vật chất và đội ngũ, điều này tạo cơ hội cho các ÐH tầng trên tuyển sinh lấn sân các ÐH tầng dưới, trong đó có các trường ÐH NCL. Khi các trường ÐH NCL gặp khó khăn, một số quan chức GD đã vội tuyên bố sẽ giải thể các trường không có khả năng tuyển sinh. Cách ứng xử như vậy là thiếu trách nhiệm. Ngành GD cần có cách ứng xử mềm dẻo hơn, chẳng hạn yêu cầu các trường còn yếu có kế hoạch phấn đấu để nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng. Mặt khác Nhà nước cũng cần có sự giúp đỡ các trường NCL, thể hiện nhất quán đường lối xã hội hóa GD của Ðảng và Nhà nước.
Về phân tầng giáo dục đại học
Phân tầng GDÐH là một ý tưởng hay đã được đưa vào Luật GDÐH. Một kinh nghiệm phân tầng GDÐH tốt mà thế giới thường nhắc đến là phân tầng GDÐH của Bang Ca-li-phoóc-ni-a (Hoa Kỳ), được đề xuất cách đây nửa thế kỷ mà cho đến nay vẫn còn tác dụng. GDÐH công lập ở Ca-li-phoóc-ni-a chia ba tầng. Tầng trên cùng gồm 10 trường ÐH đẳng cấp cao nhất, nặng về nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, tuyển tốp 1/8 (12,5%) SV giỏi nhất của số học sinh tốt nghiệp THPT. Tầng giữa gồm 23 trường ÐH tầm trung, chỉ có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ, tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp THPT kế tiếp. Tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường cao đẳng cộng đồng nhận bất cứ học sinh nào muốn được học ÐH và học nghề. Hiện nay hệ thống phân tầng này mở rộng ra cả các trường tư và các trường đào tạo nghề, là một hệ thống phân tầng khá hiệu quả mà cả thế giới học tập. Ở đây cần lưu ý là Nhà nước quy định cho các tầng GDÐH cả chức năng đào tạo và cả chất lượng tuyển sinh, không có chuyện các ÐH tầng trên tuyển sinh lấn sân của các trường ÐH tầng dưới.
Khi điều hành hệ thống GDÐH theo đúng các ý tưởng nêu trên hy vọng chúng ta sẽ có một hệ thống GDÐH phát triển ổn định, các trường tầng cao tập trung vào chức năng đào tạo trình độ cao, các trường tầng thấp thực hiện chức năng đào tạo nhân lực thực hành đa dạng theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường.
Còn một vấn đề cần lưu ý nữa là thể thức tuyển sinh ÐH ở nước ta cũng cần thay đổi, vì đã 12 năm thực hiện “ba chung” mà kỳ thi chưa áp dụng được công nghệ đánh giá hiện đại như Nghị quyết 14 nêu ra. Một số chuyên gia về đánh giá GD cho biết nếu sử dụng công nghệ đánh giá hiện đại, ngoài việc đo lường chính xác hơn năng lực thí sinh, còn có thể điều khiển sự phân bố phổ điểm thi sao cho từng tầng trường ÐH có thể tuyển sinh theo yêu cầu của mình. Cách tuyển sinh cũng cần đa dạng, có những hệ thống mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra, như hệ thống đại học mở, nhằm tạo cơ hội cho mọi học sinh tốt nghiệp phổ thông nếu muốn đều có thể học ÐH.
GDÐH là một hệ thống rộng lớn, đa dạng và phức tạp, do đó cần những nghiên cứu sâu sắc để sớm xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện cho GDÐH và nói chung “sau trung học” không chỉ năm mười năm mà năm ba mươi năm, nhằm từng bước tạo động lực mạnh mẽ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ý kiến ()