Tìm lại vị thế cây bông ở nam Tây Nguyên
Theo Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên, kết thúc thời vụ xuống giống vụ bông 2010, nông dân ở hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông đã ký hợp đồng với công ty gieo, trồng được gần 3.500 ha bông vải, tăng gần 800 ha so năm 2009.Hiện, cây bông ở các địa phương đang sinh trưởng, phát triển tốt. Công ty đang tập trung tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc ruộng bông đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất cao, giúp người dân có thu nhập khá hơn các loại cây trồng khác.Khuyến khích người trồng bôngNgay từ đầu vụ, tất cả các hộ nông dân ký hợp đồng trồng bông đã được Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên hỗ trợ 100% chi phí hạt giống (8 kg/ha) và ứng trước một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư chuyên dùng để đầu tư cho cây bông. Công ty còn tăng giá thu mua bông hạt loại 1 và loại 2 từ 9.000 đồng lên 11.500 đồng/kg và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân. Nhờ có chính sách ưu tiên này mà người trồng bông...
Hiện, cây bông ở các địa phương đang sinh trưởng, phát triển tốt. Công ty đang tập trung tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc ruộng bông đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất cao, giúp người dân có thu nhập khá hơn các loại cây trồng khác.
Khuyến khích người trồng bông
Ngay từ đầu vụ, tất cả các hộ nông dân ký hợp đồng trồng bông đã được Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên hỗ trợ 100% chi phí hạt giống (8 kg/ha) và ứng trước một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư chuyên dùng để đầu tư cho cây bông. Công ty còn tăng giá thu mua bông hạt loại 1 và loại 2 từ 9.000 đồng lên 11.500 đồng/kg và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân. Nhờ có chính sách ưu tiên này mà người trồng bông đã mặn mà hơn trước và không ngần ngại đầu tư tăng diện tích cây bông lên nhiều hơn so mọi năm. Anh Trần Xuân Vận (thôn 3, xã Ea Wen, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc) cho rằng, việc hỗ trợ giống và giá thu mua ổn định với giá khá cao của ngành bông như hiện nay đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Còn anh Nguyễn Văn Tam, cũng ở địa phương này trình bày, làm một sào bông đầu tư nhiều công sức hơn so với làm sắn, ngô hay đậu (khoảng 22 đến 30 công/vụ) và cũng chỉ cho thu nhập ngang ngửa nhau. Song, gia đình anh vẫn chọn cây bông cũng vì chính sách ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước. Hơn thế, theo anh Tam tâm sự, gia đình anh đã từng gắn bó với loại cây này từ vài ba năm trước, được cán bộ kỹ thuật thường xuyên tập huấn, hướng dẫn… nên kiến thức thâm canh cây bông anh nắm khá vững. Khi áp dụng vào sản xuất, ruộng bông nhà anh luôn cho năng suất cao hơn, bình quân 45 tạ/sào nên thu nhập cũng khá hơn so các loại cây trồng khác. Với giá thu mua ưu tiên như hiện tại (11.500 đồng/kg) thì tin chắc người nông dân sẽ quay lại với cây bông. Và cây bông cũng sẽ tìm được ngôi vị 'hoàng kim' của mình như những năm 2000-2002.
Giám đốc Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên Hồ Đăng Phú, cho biết, so thời 'hoàng kim' của cây bông vải, với diện tích lên đến hơn 12.000 ha vào đầu những năm 2000 thì diện tích bông vụ 2010 này còn 'khiêm tốn'. Thế nhưng, nếu so vụ bông của hai, ba năm trước thì kết quả đạt được về mặt diện tích thật sự là một tín hiệu đáng mừng. Mặt khác, đây cũng là cơ sở bước đầu để công ty thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh Chương trình phát triển cây bông vải, đáp ứng nguyên liệu bông xơ cho ngành dệt-may Việt Nam. Bởi, theo Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 10-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt-may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, thì riêng về phần nguyên liệu, mục tiêu đặt ra là phải đáp ứng từ 40.000 đến 60.000 tấn bông xơ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa từ 60 đến 70%. Ông Phú nhận xét: Quả thật, đây là một bài toán không dễ dàng gì đối với ngành bông, khi mà những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cây bông đang lâm vào tình thế khó khăn, diện tích giảm dần trên khắp các vùng bông truyền thống của cả nước. Vì thế các công ty bông phải tìm mọi cách để lấy lại 'ngôi vị' cho loại cây công nghiệp quan trọng này.
Tạo nguồn lực mới cho cây bông
Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên đã xây dựng kế hoạch phát triển cây bông vải trên địa bàn hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông đến năm 2020 là 19.000 đến 20.000 ha (Đác Nông: 8.000 ha và Đác Lắc: 12.000 ha), năng suất bông hạt bình quân đạt 18 tạ/ha, với sản lượng 15.000 tấn bông xơ/năm, chiếm khoảng 25% sản lượng của toàn ngành bông cả nước. Để thực hiện được kế hoạch này, công ty đã đề ra bốn nhóm giải pháp chính: Tập trung đầu tư vào lĩnh vực khoa học – công nghệ, tổ chức sản xuất, cơ chế chính sách, quy hoạch. Theo đó, công ty ưu tiên đưa giống bông mới vào gieo trồng đại trà để ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng bông. Quy trình, kỹ thuật canh tác cũng sẽ được tiếp tục cải tiến theo hướng khắc phục những nhược điểm trước đây, để vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm bông xơ. Ông Hồ Đăng Phú cho biết, công ty đang củng cố lại lực lượng cộng tác viên khuyến nông là nông dân tại chỗ, đồng thời hình thành các tổ, hội nông dân liên kết, hợp tác trồng bông để trao đổi, học tập lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất nhằm hướng đến một nền sản xuất, kinh doanh ổn định và bền vững. Hằng năm, công ty tiếp tục hỗ trợ về chi phí hạt giống, cải thiện giá thu mua theo hướng tăng dần để góp phần tăng lợi thế của cây bông so với các loại cây trồng ngắn ngày khác, giúp nông dân trồng bông có thu nhập cao hơn.
Ngành bông Việt Nam đang xúc tiến hình thành Quỹ bình ổn giá bông để chủ động ứng phó với biến động của thị trường, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Trong số 20.000 ha bông vải dự kiến nói trên, công ty cũng có kế hoạch phát triển khoảng 2.600 ha theo quy mô trang trại tại các địa bàn Đác Min, Chư Dút, Krông Nô (tỉnh Đác Nông) và Buôn Đôn, Chư M'gar, Ea Súp (Đác Lắc) để có điều kiện đầu tư một cách tập trung và đồng bộ hơn theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến nguyên liệu bông. Kế hoạch, giải pháp đặt ra là vậy, nhưng để thực hiện được và đạt kết quả cao, giúp cây bông tìm lại vị thế của mình, Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên rất cần có sự hợp tác, hỗ trợ đắc lực về mọi mặt của chính quyền, các ngành, các cấp và nhất là bà con nông dân ở hai tỉnh nam Tây Nguyên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()