Tìm lại nụ cười trong mắt em thơ
Lớp học chữ dành cho các em bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn năm nghìn nạn nhân chất độc da cam, trong đó có hơn 1.400 trẻ em. Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin (NNCĐDC) TP Đà Nẵng được thành lập đến nay đã hơn sáu năm, và hoạt động ổn định theo điều lệ Hội, có 90% số xã, phường đã thành lập chi hội.Những năm qua, việc chăm sóc, phục hồi chức năng và dạy nghề cho các em đã đạt được một số kết quả tốt. Hiện nay, tại ba cơ sở thuộc Trung tâm (TT) chăm sóc nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho NNCĐDC Đà Nẵng có gần 300 em đang được học nghề, hòa nhập cộng đồng.Từ khi thành lập đến nay, Hội NNCĐDC TP Đà Nẵng đã vận động quyên góp gần 39 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC trên địa bàn TP với nhiều hình thức như: trợ cấp hằng tháng, xây dựng và sửa chữa nhà tình thương, hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất, khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, tặng quà vào các dịp...
Lớp học chữ dành cho các em bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở Đà Nẵng. |
Những năm qua, việc chăm sóc, phục hồi chức năng và dạy nghề cho các em đã đạt được một số kết quả tốt. Hiện nay, tại ba cơ sở thuộc Trung tâm (TT) chăm sóc nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho NNCĐDC Đà Nẵng có gần 300 em đang được học nghề, hòa nhập cộng đồng.
Từ khi thành lập đến nay, Hội NNCĐDC TP Đà Nẵng đã vận động quyên góp gần 39 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC trên địa bàn TP với nhiều hình thức như: trợ cấp hằng tháng, xây dựng và sửa chữa nhà tình thương, hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất, khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, tặng quà vào các dịp lễ, Tết… góp phần giúp các gia đình nạn nhân từng bước cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, mô hình dạy chữ, dạy nghề và phục hồi chức năng cho các em NNCĐDC tại Đà Nẵng đã thu hút được nhiều người ủng hộ, bản thân các gia đình có con, cháu bị nhiễm CĐDC cũng đồng lòng và tin tưởng, động viên các cháu tới TT. Bằng tấm lòng thương yêu của đội ngũ cán bộ thuộc Hội, TT và các tình nguyện viên hiện nay có rất nhiều em tự tìm đến học và gắn bó thường xuyên với những lớp học đặc biệt này. Đà Nẵng hiện có ba cơ sở với đầy đủ phương tiện dạy, học nghề, chỗ ăn nghỉ sinh hoạt hằng ngày cho các em. Số kinh phí được tài trợ, giúp đỡ để xây dựng ba cơ sở lên đến hàng tỷ đồng. Nỗ lực này của Hội NNCĐDC cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm, từng bước góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, trả lại nụ cười cho các em sớm phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Việc xây dựng các cơ sở thuộc TT là mô hình hoạt động hiệu quả gắn được trách nhiệm giữa gia đình với cộng đồng, xã hội, là nơi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trực tiếp đến giao lưu, thăm hỏi, động viên các em. Mặt khác, các em đến TT được chăm sóc, nuôi dưỡng, luyện tập phục hồi chức năng, được vui chơi, ca hát, học văn hóa, học nghề để phát triển về thể chất, tinh thần. Các gia đình có con em được gửi vào đây đã giảm bớt gánh nặng, yên tâm lao động kiếm sống. Nói về những kết quả bước đầu của TT, Chủ tịch Hội NNCĐDC Nguyễn Thị Hiền cho biết: Việc phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề đã góp phần sẻ chia và giảm bớt một phần gánh nặng cho gia đình các em, đây cũng là địa chỉ đỏ tin cậy, là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân đến với các em. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ của Hội, trong đó có nhiều người bản thân là NNCĐDC, đang trực tiếp giúp đỡ, dạy chữ, dạy nghề cho các em, đã mang lại nhiều tiếng cười cho các em; giúp các em nghị lực để sống và vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Đến thăm các em ở Cơ sở 3 tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, tôi gặp rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, nhiều em không biết nói, không biết nghe, nhiều em đã 22 tuổi mà vẫn ngây ngô như một đứa trẻ. Hòa Vang là địa phương có nhiều gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách có con bị nhiễm chất độc da cam. Hằng ngày, buổi sáng, TT có xe đưa các em đến và chiều đón về nhà. Gặp Đại tá, cựu chiến binh Lê Văn Tá – người đã hơn 20 năm lặn lội vì những NNCĐDC, khi ông đang hướng dẫn cho các em cách chăm sóc vườn rau để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Ông chia sẻ: “Khi có cơ sở này, con em của các cựu chiến binh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị nhiễm chất độc da cam được trợ giúp rất nhiều. Đây là môi trường giúp các cháu lấy lại được sự tự tin, được học chữ, học nghề. Điều quan trọng là các em không còn mặc cảm là những đứa trẻ “bỏ đi” như trước đây”. Thăm khu vực dạy chữ và dạy nghề tại đây, tôi thấy các em được học nghề làm hương, làm hoa vôn, kết cườm, may dân dụng, học đánh máy vi tính. Bên cạnh đó, các em còn có phòng tập phục hồi chức năng, phòng chơi. Gần 100 em đang được chăm sóc tại đây, có nhiều em đến từ tỉnh Quảng Nam. Ông Phạm Ngọc Thiết, 52 tuổi, quê Hiệp Đức, Quảng Nam, có con trai là Phạm Ngọc Tuấn, 17 tuổi, bị nhiễm chất độc da cam và tự kỷ. Khi biết Hội NNCĐDC Đà Nẵng có các cơ sở nuôi dạy, phục hồi chức năng cho các em bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, ông đã lặn lội đưa Tuấn ra Đà Nẵng và gửi vào Cơ sở 3. Ông Thiết chia sẻ: “Cháu Tuấn sinh ra đã không lành lặn như bao đứa trẻ khác, nay gửi cháu vào đây, hy vọng với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của cán bộ, giáo viên ở đây sẽ từng bước giúp cháu lấy lại niềm tin.
Chung tay vì nỗi đau da cam hiện đang được các cấp, các ngành quan tâm và nhận được sự sẻ chia rất lớn từ cộng đồng. Việc vận động mọi nguồn tài trợ để xây dựng các cơ sở thuộc TT như Đà Nẵng đã và đang làm cần được nhân rộng, qua đó góp phần giúp cho các nạn nhân vơi đi những nỗi đau, đồng thời tiếp tục vận động sự ủng hộ của xã hội, của bạn bè quốc tế đòi lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()