Tìm lại hương vị cuộc sống cho người khuyết tật
Xuất thân là nhà sản xuất đồ chơi, anh Roly Mamani ở thị trấn Achocalla, cách thủ đô La Paz của Bolivia khoảng 15km, là vị cứu tinh của những người khuyết tật chân, tay.
Roly Mamani lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó ở Achocalla. Không có đồ chơi, cậu bé 6 tuổi tự chế tạo những chiếc ô tô bằng bìa cứng và nhựa. Trước khi vào đại học, Mamani làm việc hai năm ở một xưởng ô tô. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2014, kỹ sư điện tử Mamani trở lại Achocalla lập nghiệp với mong muốn trở thành nhà chế tạo robot phục vụ trong lĩnh vực giải trí hoặc giáo dục.
Tuy nhiên, câu chuyện về một người nông dân không có tay khiến anh trằn trọc suy nghĩ nhiều đêm. “Tôi có thể tạo một cánh tay cho ông ấy và những người khuyết tật chân tay khác”, Mamani nói.
Năm 2018, Mamani bắt đầu sản xuất chân, tay giả bằng máy in 3D. Anh nói: “Khoa học có năng lực cực lớn. Nếu robot không giúp con người được những việc quan trọng, nó sẽ trở nên vô ích”. Trung bình mỗi tháng Mamani sản xuất được 6 bộ phận chân, tay giả. Đến nay, anh đã làm được 400 bộ phận và một nửa trong số đó được tặng miễn phí đến người khuyết tật hoặc tính phí với mức gần như cho. Theo nhà chế tạo, mỗi bộ phận chân, tay giả được bán ngoài thị trường với giá 1.500USD.
Anh Roly Mamani (bên trái) giải thích cách thức hoạt động của cánh tay giả sinh học được thiết kế cho anh Antonio Nina. Ảnh: AFP |
Tấm lòng vàng của kỹ sư Mamani đã mang lại niềm vui cho nhiều người khuyết tật chân, tay. Ông Pablo Matha, 59 tuổi, bị mất thị lực và tay phải 7 năm về trước trong một lần xử lý thuốc nổ ở hầm mỏ. Hằng ngày, ông đi hát rong để kiếm sống. May mắn, ông Matha gặp kỹ sư trẻ Mamani tốt bụng và được tặng tay giả. Kể từ đó, ông không còn cảm thấy xấu hổ vì bàn tay bị đứt lìa của mình. Cũng nhờ được tặng cánh giả, Antonio Nina, 26 tuổi-người bị điện giật hồi còn nhỏ khiến cánh tay phải bị teo lại-đã được tận hưởng hương vị cuộc sống một lần nữa.
Theo Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Bolivia, cả nước có khoảng 36.100 người khuyết tật về chân, tay. Do đó, kỹ sư điện tử Mamani đang lên kế hoạch thành lập một trung tâm phục hồi chức năng cho những người bị cụt chi. “Tôi sẽ không từ bỏ mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Tôi muốn tạo ra công nghệ của riêng mình”, kỹ sư Mamani-người vừa nhận học bổng của Mỹ nghiên cứu về robot-tuyên bố.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tim-lai-huong-vi-cuoc-song-cho-nguoi-khuyet-tat-762997
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()