Từ nhiều năm nay, cây thạch đen được ví như “vàng đen” của vùng biên cương Xứ Lạng, mang lại giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Xác định đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã đưa thạch đen vào danh mục cây trồng chủ lực của tỉnh và chỉ đạo phát triển thành vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, giá thạch đen giảm mạnh, việc tiêu thụ khó khăn khiến cho nhiều hộ dân không còn mặn mà, thậm chí “quay lưng” với thạch. Kéo theo đó là diện tích, sản lượng thạch đen toàn tỉnh sụt giảm nghiêm trọng. Làm thế nào để tìm lại giá trị “vàng đen”, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây trồng này – mong mỏi của người trồng thạch cũng là đòi hỏi đặt ra đối với các cấp, ngành của địa phương.
Tỉnh Lạng Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng hơn nữa diện tích trồng thạch đen cũng như nâng cao giá trị kinh tế của cây trồng này. Thế nhưng điểm nghẽn trong phát triển cây thạch đen lại tập trung chủ yếu ở khâu tiêu thụ. Từ thực tế đó, các cấp, ngành của tỉnh cũng như các doanh nghiệp đã, đang và tiếp tục triển khai những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, để cây thạch thực sự là cây trồng chủ lực, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Thời gian qua, cùng với việc xuất khẩu thạch thô sang thị trường Trung Quốc, Lạng Sơn cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển hoạt động sản xuất, chế biến bột thạch, sản phẩm thạch ăn liền. Trong bối cảnh việc tiêu thụ thạch khô gặp khó khăn, các doanh nghiệp này đã và đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường để góp phần đảm bảo đầu ra cho cây thạch đen của tỉnh Lạng Sơn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có nhà máy chế biến sản phẩm bột thạch của Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định đang hoạt động, mỗi năm tiêu thụ hơn 1.000 tấn thạch khô cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 7 cơ sở chế biến thạch ăn liền đóng hộp, mỗi năm tiêu thụ khoảng 80 tấn nguyên liệu thạch khô. Cùng với duy trì thu mua thạch từ các hộ dân, các doanh nghiệp, cơ sở này đã và đang mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư cho hoạt động chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ thạch đen để phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần giải quyết đầu ra cho cây thạch đen.
Ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý chia sẻ: Nhận thấy lợi thế về vùng nguyên liệu thạch đen rộng lớn tại huyện Tràng Định, năm 2019, tôi đã đầu tư dây chuyền công nghệ, nhà xưởng để sản xuất bột thạch đen bán ra thị trường trong nước và nước ngoài. Từ đó đến nay, mỗi năm công ty tiêu thụ trên 1.000 tấn thạch khô cho người dân.
Hiện nay, công ty đang tiếp tục mở rộng nhà xưởng để thu mua thạch đen và nghiên cứu, tìm kiếm thêm các đối tác ở nước ngoài nhằm phát triển thị trường xuất khẩu.
Về lâu dài, doanh nghiệp sẽ tìm hiểu và đầu tư công nghệ để xây dựng nhà máy sản xuất nước uống cũng như một số sản phẩm khác từ cây thạch đen với mong muốn tiêu thụ được nhiều hơn nữa thạch khô cho người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.
Nếu như Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý đang hướng đến mở rộng nhà xưởng, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ thạch đen thì cơ sở sản xuất thạch Chu Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cũng đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm thạch ăn liền và mở rộng thị trường tiêu thụ trên cả nước.
Bà Chu Thị Hạnh, chủ cơ sở chia sẻ: Cơ sở bắt đầu sản xuất thạch ăn liền từ năm 2010. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất thạch ăn liền. Cùng với sản phẩm thạch đóng hộp, cơ sở đã tìm tòi và sản xuất thêm sản phẩm thạch ống nứa. Các sản phẩm của cơ sở hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ trực tiếp sản xuất, hiện nay, chúng tôi còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho một số cơ sở khác ở trong và ngoài tỉnh. Từ đó tiếp tục mở rộng thị trường, trực tiếp góp phần tiêu thụ thạch khô cho người dân.
Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, các cấp, ngành cũng đã triển khai cơ chế, giải pháp cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở tăng quy mô sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó đảm bảo đầu ra ổn định cho cây thạch đen.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Năm 2022, diện tích trồng thạch trên địa bàn huyện đạt cao nhất với diện tích 160 ha, đến năm 2024 diện tích giảm xuống còn 20 ha, người dân chủ yếu duy trì diện tích để cung ứng nguyên liệu cho cơ sở sản xuất thạch ăn liền.
Những năm gần đây, UBND huyện đã lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ cơ sở sản xuất thạch ăn liền xây dựng sản phẩm OCOP, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…Qua đó sản phẩm thạch ăn liền của huyện được quảng bá, tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Ngoài nhà máy sản xuất tinh bột thạch của Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý và các cơ sở chế biến thạch ăn liền, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có thêm nhà máy chế biến bột thạch của Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu sản xuất và thương mại Trương Gia (đặt tại xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định) đã đi vào hoạt động và bước đầu đã xuất khẩu 100 tấn bột thạch sang Trung Quốc.
Dự kiến cuối tháng 10/2024, nhà máy sẽ tiến hành sản xuất đại trà với công suất 6 tấn/ngày. Việc có thêm nhà máy chế biến bột thạch sẽ góp phần mở rộng kênh tiêu thụ thạch đen cho bà con nông dân.
Mặc dù trên địa bàn tỉnh đã có hoạt động chế biến; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến bột thạch, sản phẩm thạch ăn liền đang tập trung phát triển sản xuất song để đảm bảo đầu ra ổn định cho cây thạch đen cũng như nâng cao hơn nữa giá trị của cây trồng này, rất cần có những giải pháp mang tính định hướng, dài hơi của các cấp, ngành chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ thạch đen, hướng tới sản xuất bền vững.
Lạng Sơn đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 xây dựng vùng sản xuất tập trung cây thạch đen với diện tích 3.000 ha và đến năm 2030 mở rộng lên 4.000 ha. Và trong Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thạch đen tiếp tục được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tuy nhiên, điểm nghẽn trong việc phát triển cây thạch đen chính là thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định do vẫn phụ thuộc khá nhiều vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc; trong khi đó, việc tiêu thụ trong nước cũng như thị trường các nước khác còn hạn chế;…
Vì vậy, một trong những giải pháp mà Lạng Sơn xác định tập trung thực hiện đó chính là phát triển vùng trồng thạch đen đảm bảo về diện tích, chất lượng đi đôi với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tuyên truyền bà con duy trì diện tích trồng thạch đen hiện có và từng bước mở rộng thêm vùng trồng mới nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng cây thạch đen.
UBND cũng chỉ đạo ngành chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác quản lý các vùng trồng đã được cấp mã số; tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân đảm bảo các yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời phát triển, cung cấp nguồn giống chất lượng cho bà con đưa vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị cây thạch đen.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm thạch đen như Đài Loan, Malaysia, Indonesia, cũng như một số nước trong ASEAN và châu Á để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Một giải pháp quan trọng nữa đó là tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ bà con sản xuất thạch đen theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục mời gọi một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn sản xuất kinh doanh thực phẩm trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu để sản xuất ra nhiều sản phẩm từ cây thạch đen, hướng đến phát triển chế biến chuyên sâu mang lại giá trị kinh tế cao hơn..
Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đang triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, phát triển thạch đen bền vững.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Cây thạch đen của Lạng Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao. Bởi ngoài việc sử dụng để chế biến đồ ăn, nước giải khát, thạch đen còn được dùng làm nguyên liệu trong sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm… Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục báo cáo, đề xuất với các đơn vị liên quan hỗ trợ Lạng Sơn kết nối, mời gọi các doanh nghiệp Trung Quốc đến tham quan, khảo sát, đầu tư phát triển sản xuất chế biến sản phẩm thạch đen của tỉnh.
Sở cũng đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ thạch đen đến đa dạng các kênh phân phối nội địa; tìm giải pháp đưa sản phẩm thạch chế biến vào chuỗi nhà hàng, siêu thị; hỗ trợ kết nối, mời gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, nước giải khát, chế biến dược liệu có uy tín, kinh nghiệm về chế biến đến Lạng Sơn khảo sát, đầu tư nhà máy chế biến sâu sản phẩm thạch đen…
Tại Tràng Định – huyện có diện tích trồng thạch đứng đầu toàn tỉnh trong những năm qua, cũng là địa bàn có diện tích thạch sụt giảm nhiều nhất trong 2 năm trở lại đây, vấn đề đặt ra đối với chính quyền, ngành chức năng của huyện trước hết là duy trì ổn định diện tích vùng trồng.
Ông Hoàng Như Bách, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tiếp tục phát triển ổn định, bền vững diện tích vùng trồng thạch; duy trì đối với diện tích thạch đã được cấp mã số vùng trồng; thực hiện nghiêm túc các yêu cầu vùng trồng được cấp mã số như Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen đã ký kết.
UBND huyện cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn nhân dân, các cơ sở chế biến, đóng gói, xuất khẩu thạch đen nâng cao nhận thức, thực hiện đảm bảo các giải pháp xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu thạch đen; khuyến cáo người dân về các danh mục vật tư nông nghiệp theo yêu cầu của Nghị định thư.
Cùng với đó là tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm thạch đen đến người tiêu dùng thông qua các trang mạng xã hội; phối hợp tốt với các viện nghiên cứu, các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng thạch trên địa bàn huyện.
Mặc dù 2 năm trở lại đây, diện tích, sản lượng thạch đen sụt giảm nhưng tại nhiều xã trồng thạch như Kim Đồng (Tràng Định), chính quyền và người dân vẫn nỗ lực duy trì 100% mã số vùng trồng đã được cấp để sản phẩm thạch đen đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Và một điều đáng mừng là hầu hết những người trồng thạch mà chúng tôi đã gặp trong quá trình thực hiện bài viết này đều bày tỏ mong muốn gắn bó lâu dài với cây thạch đen, góp sức xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu có chất lượng cao của địa phương phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Mong muốn là vậy song người nông dân chỉ có thể gắn bó với cây trồng này khi mà đầu ra cho sản phẩm ổn định, bền vững.
Những khó khăn, hạn chế đã được nhận diện, nhiều giải pháp đã được vạch ra. Người trồng thạch đang trông đợi những giải pháp đó sẽ sớm được hiện thực hóa để tìm lại giá trị cho cây thạch – “vàng đen” trên mảnh đất Xứ Lạng.
(Hết)
Ý kiến ()