1
89
5024019
140
Tìm lại giá trị "vàng đen" (Kỳ 3: Niềm vui ngắn chẳng tày gang) - Báo Lạng Sơn: Tin tức mới nhất, chính xác, uy tín
https://baolangson.vn/tim-lai-gia-tri-vang-den-ky-3-niem-vui-ngan-chang-tay-gang-5024019.html
longform
Tìm lại giá trị "vàng đen" (Kỳ 3: Niềm vui ngắn chẳng tày gang)

Cover

Từ nhiều năm nay, cây thạch đen được ví như “vàng đen” của vùng biên cương Xứ Lạng, mang lại giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Xác định đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã đưa thạch đen vào danh mục cây trồng chủ lực của tỉnh và chỉ đạo phát triển thành vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, giá thạch đen giảm mạnh, việc tiêu thụ khó khăn khiến cho nhiều hộ dân không còn mặn mà, thậm chí “quay lưng” với thạch. Kéo theo đó là diện tích, sản lượng thạch đen toàn tỉnh sụt giảm nghiêm trọng. Làm thế nào để tìm lại giá trị “vàng đen”, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây trồng này – mong mỏi của người trồng thạch cũng là đòi hỏi đặt ra đối với các cấp, ngành của địa phương. 

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế từ cây thạch đen tăng mạnh từ sau khi có Nghị định thư đã đem lại niềm vui và kỳ vọng lớn cho người trồng thạch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, bắt đầu từ năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài cùng một số nguyên nhân khác nên việc tiêu thụ thạch đen gặp nhiều khó khăn. Từ đó, nhiều hộ dân đã “quay lưng” với loại cây trồng này, khiến diện tích và sản lượng thạch sụt giảm nghiêm trọng.

Năm 2022, diện tích cây thạch đen trên địa bàn tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc xuất khẩu thạch đen gặp khó khăn, doanh nghiệp, tư thương tạm dừng thu mua hoặc chỉ thu mua với số lượng ít. 

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Những ngày cuối tháng 8/2024, chúng tôi có dịp đến xã Hoa Thám, huyện Bình Gia, thời điểm này, nhiều hộ dân trong xã đã thu hoặc xong thạch đen được chừng hơn 1 tháng nhưng chưa có tư thương đến hỏi mua.

Ông Nguyễn Tuấn Uy, Chủ tịch UBND xã nhớ lại: Những năm trước, vào tầm này, con đường qua trước trụ sở UBND xã hàng ngày nườm nượp xe tải ra vào để thu mua thạch, ngay từ đầu xã đã có thể ngửi thấy mùi thạch khô thơm phức. Nhưng từ 2 năm trở lại đây, không khí nhộn nhịp ấy đã không còn. Đã từng có doanh nghiệp đến địa bàn xã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm thạch khô cho bà con với giá ổn định, cao hơn mặt bằng chung của thị trường; tuy nhiên sau đó, doanh nghiệp “một đi không trở lại” nên thạch đen bà con sản xuất ra vẫn chỉ trông chờ vào tư thương thu gom. 

Gia đình ông Hoàng Văn Sy, thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám nhiều năm qua duy trì trồng 7 sào thạch đen trên đất ruộng. Tuy nhiên từ năm 2022 trở lại đây, giá thạch giảm sâu (từ 30.000 xuống còn 10.000 đồng/kg) nên gia đình ông chỉ còn trồng 4 sào thạch đen. Đến nay, 4 sào thạch đã được thu hoạch với sản lượng khoảng 1 tấn; gia đình vẫn đang bảo quản cẩn thận trong kho để chờ được giá.

Ông Sy ngán ngẩm chia sẻ: Từ lúc tôi thu hoạch đến giờ cũng chưa có tư thương đến thu mua. Qua khảo giá thị trường, tôi được biết hiện giá thạch khô chỉ từ 15 nghìn đồng/kg đổ lại, với mức giá này thì hiệu quả chỉ ngang với trồng ngô, lúa, trong khi đó, trồng thạch vất vả hơn rất nhiều. Tôi đang chờ xem một thời gian nữa giá thạch có nhích lên chút nào hay không.

Ảnh với chú thích

Người dân thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia kiểm tra thạch đen sau thu hoạch

Không chỉ ông Sy mà nhiều hộ trồng thạch đen khác trên địa bàn các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng cũng rơi vào tình trạng thấp thỏm khi thạch đen rớt giá, người dân bán rẻ thì tiếc mà không bán thì cũng chẳng để được lâu.

Bà La Thị Liên, thôn Nà Thà, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định tâm sự: Gia đình tôi trồng thạch được khoảng 15 năm nay. Vụ thạch năm 2024 này, gia đình trồng 3 sào và đã thu hoạch được khoảng 8 tạ. Tuy nhiên, hiện nay, giá thạch đang rất thấp, chỉ được 12-13 nghìn đồng/kg nên tôi chưa bán và thực tế cũng chưa có người hỏi mua. Vụ năm ngoái, ban đầu, giá thạch được 20 nghìn đồng/kg nhưng gia đình không bán vì cố chờ được giá cao hơn, nhưng càng chờ, giá thạch càng giảm, cuối cùng, tôi phải bán thạch với giá 10 nghìn đồng/kg. Với tình hình như hiện nay, tôi đang lo thạch sẽ còn tiếp tục rớt giá.

Theo phân tích của ngành chức năng, diện tích, sản lượng thạch đen của Lạng Sơn trong những năm qua tăng mạnh song sức mua tại thị trường nội địa chưa có nhiều đột biến, việc tiêu thụ sản phẩm thạch đen phần lớn vẫn là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: Mặc dù ngành đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thạch đen, song do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, Trung Quốc hạn chế giao thương khiến việc xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang thị trường nước này giảm sút.

Ảnh với chú thích

Người dân thôn Nà Thà, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định kiểm tra thạch sau thu hoạch chờ xuất bán

Bên cạnh nguyên nhân trên, theo đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở thu mua thạch đen và chính quyền một số xã của huyện Tràng Định, Bình Gia… , thị trường thạch đen ảm đạm còn có một nguyên nhân khác đó là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của Trung Quốc sụt giảm. Một số doanh nghiệp đã ký kết tiêu thụ thạch đen khô với người dân nhưng do xuất khẩu gặp khó nên doanh nghiệp hạn chế thu mua.

Đầu ra bị thu hẹp, doanh nghiệp, tư thương không thu mua hoặc chỉ thu mua với số lượng rất ít dẫn tới giá thạch đen giảm mạnh. Theo tính toán của người trồng thạch, giá thạch đen giảm xuống còn từ 10-15 nghìn đồng/kg như thời gian gần đây thì trừ chi phí, người dân không có lãi trong khi phải bỏ rất nhiều công chăm sóc. Chính vì vậy, nhiều hộ dân không còn mặn mà với việc trồng thạch. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của các nhà máy bên Trung Quốc bị ngưng trệ nên nhu cầu về thạch đen khô cũng giảm sút. Trước đây, mỗi năm, công ty thu mua từ 4.000 đến 5.000 tấn thạch khô cho bà con để xuất khẩu. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, công ty chỉ thu mua trên 1.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nông sản Hải Bình, xã Đề Thám, huyện Tràng Định  

Cũng phải nói thêm rằng, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu về thạch đen của  Trung Quốc sụt giảm thì việc tiêu thụ thạch đen gặp khó cũng có nguyên nhân từ chính người trồng thạch.

Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Ngay sau khi có Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen, phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn người dân trồng thạch đen đảm bảo các quy định để xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, một số hộ dân chưa thực hiện tốt kỹ thuật theo quy định, từ đó sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu..

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Không tiêu thụ được, hoặc đành bán thạch với giá quá thấp nên từ năm 2023 đến nay, người dân ở nhiều nơi đã giảm diện tích trồng cây thạch đen và chuyển sang trồng những loại cây trồng khác, thậm chí có hộ còn bỏ hẳn trồng thạch.

Bà Đinh Thị Bích, thôn Nà Thà, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định chia sẻ: Trước đây, mỗi vụ gia đình tôi duy trì trồng 5-6 sào thạch đen, có năm, giá thạch đen lên tới gần 40.000 đồng/kg đem lại thu nhập cao, ổn định cho gia đình. Năm 2022, gia đình thu được 1,3 tấn thạch đen nhưng chỉ bán được với giá 9.000 đồng/kg. Với giá đó, gia đình không có lãi, thậm chí còn bị lỗ nên từ năm 2023 trở lại đây, gia đình quyết định bỏ trồng thạch và cho người khác thuê đất để làm vườn ươm giống cây lâm nghiệp.

Không riêng gia đình bà Bích, nhiều hộ dân khác ở xã Kim Đồng cũng bỏ hoặc giảm diện tích trồng thạch. Cụ thể, năm 2021, diện tích trồng thạch đen của xã là 243,37 ha với 100% số hộ dân trồng (xã có 637 hộ) thì đến năm 2024, diện tích trồng thạch đen của xã chỉ còn 132 ha với trên 60% số hộ dân trồng. 

Ảnh tràn viền

Người dân xã Kim Đồng, huyện Tràng Định chăm sóc vụ thạch đen năm 2023

Còn tại thôn Vĩnh Quang – một trong những thôn từng trồng nhiều thạch nhất nhì của xã Hoa Thám, huyện Bình Gia, từ 102 hộ trồng thạch năm 2021 thì đến nay chỉ còn 30 hộ duy trì trồng, hộ nhiều nhất còn khoảng 4 sào mà hộ ít thì chỉ trồng 100-200m2. Tình trạng này cũng diễn ra ở những thôn khác trên địa bàn xã Hoa Thám.

Ông Nguyễn Tuấn Uy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho hay: Năm 2021, 2022, diện tích trồng thạch đen trên địa bàn xã dao động khoảng 150 ha. Nhưng do đầu ra không ổn định, giá thạch bấp bênh, 2 năm nay, nhiều hộ dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như lúa, ngô, bí xanh, bí đao…. Vì thế, năm 2024 này, diện tích thạch đen của toàn xã chỉ còn gần 11 ha. Từ 9 mã số vùng trồng, đến hiện tại, xã chỉ duy trì được 1 mã.

Ông Nguyễn Tuấn Uy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám, huyện Bình Gia chia sẻ về tình hình diện tích trồng thạch đen giảm sút

Việc người dân nhiều nơi giảm diện tích trồng thạch hoặc bỏ hẳn trồng thạch khiến cho 2 năm nay, diện tích và sản lượng thạch toàn tỉnh sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2023, diện tích trồng thạch đen toàn tỉnh còn 2.385 ha với sản lượng đạt 12.500 tấn, giá trị khoảng 180 tỷ đồng; từ đầu năm 2024 đến nay, diện tích trồng thạch đen còn 1.245 ha, sản lượng đạt 6.661 tấn với giá trị ước đạt 66 tỷ đồng - giảm sâu so với thời điểm năm 2021, 2022.  

Trong đó, huyện Tràng Định có diện tích sụt giảm mạnh nhất. Cụ thể năm 2023, diện tích thạch đen trên địa bàn huyện còn 1.300 ha, giảm 1.200 ha so với năm 2022 và từ đầu năm 2024 đến nay, diện tích thạch đen trên địa bàn huyện còn trên 700 ha.

Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định chia sẻ về tình hình phát triển cây thạch đen trên địa bàn huyện

Giá thạch thấp, không chỉ người trồng thạch mà các đơn vị, cơ sở thu mua, đóng gói thạch đen xuất khẩu cũng gặp khó khăn theo.

Bà Đỗ Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đỗ Thị Kim Oanh, xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia cho biết: Công ty bắt đầu thu mua thạch đen của người dân từ năm 2022. Chúng tôi cũng rất muốn mua với giá cao cho người trồng thạch, tuy nhiên, chúng tôi bị phụ thuộc vào nhu cầu và giá cả bên phía doanh nghiệp Trung Quốc. Hiện tại, diện tích thạch đen trên địa bàn huyện Bình Gia giảm mạnh, giá thấp nên người dân chưa muốn bán, vì vậy, doanh nghiệp phải tiến hành thu mua ở huyện Tràng Định; từ đó phát sinh thêm chi phí vận chuyển, nhân lực…

Biểu đồ so sánh diện tích và sản lượng thạch đen từ năm 2019 đến nay (năm 2024 tính đến hết 6 tháng đầu năm)

Ảnh trái: Giá trị thạch đen từ năm 2019 đến nay (năm 2024 tính đến hết 6 tháng đầu năm).

Ảnh phải: Giá trị thạch đen xuất khẩu từ năm 2021 (sau khi có Nghị định thư) đến nay (năm 2024 tính đến hết 6 tháng đầu năm)

Thạch đen được xác định là cây trồng chủ lực, thế mạnh của 3 huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Thế nhưng với diện tích sụt giảm rất lớn cộng với giá cả bấp bênh như hiện nay, không biết thời gian tới, sẽ còn có bao nhiêu hộ nông dân “quay lưng” với cây thạch.

Trong khi đó, tiềm năng, lợi thế để phát triển cây thạch đen tại tỉnh Lạng Sơn vẫn còn rất lớn và không phải nơi nào cũng có được. Chính vì vậy, việc tìm hướng đi dài hơi nhằm phát triển bền vững vùng sản xuất tiếp tục là bài toán khó cần sớm có lời giải để người dân yên tâm gắn bó với cây trồng này.

(Còn nữa)