1
89
5023845
137
Tìm lại giá trị "vàng đen" (Kỳ 1: “Báu vật” của núi rừng Xứ Lạng) - Báo Lạng Sơn: Tin tức mới nhất, chính xác, uy tín
https://baolangson.vn/tim-lai-gia-tri-vang-den-ky-1-bau-vat-cua-nui-rung-xu-lang-5023845.html
longform
Tìm lại giá trị "vàng đen" (Kỳ 1: “Báu vật” của núi rừng Xứ Lạng)

Cover

Từ nhiều năm nay, cây thạch đen được ví như “vàng đen” của vùng biên cương Xứ Lạng, mang lại giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Xác định đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã đưa thạch đen vào danh mục cây trồng chủ lực của tỉnh và chỉ đạo phát triển thành vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, giá thạch đen giảm mạnh, việc tiêu thụ khó khăn khiến cho nhiều hộ dân không còn mặn mà, thậm chí “quay lưng” với thạch. Kéo theo đó là diện tích, sản lượng thạch đen toàn tỉnh sụt giảm nghiêm trọng. Làm thế nào để tìm lại giá trị “vàng đen”, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây trồng này – mong mỏi của người trồng thạch cũng là đòi hỏi đặt ra đối với các cấp, ngành của địa phương. 

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Cây thạch đen được trồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ nhiều năm nay và tập trung chủ yếu ở các huyện: Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng. Đã có những thời điểm, 1kg thạch đen có giá cao gấp đôi, gấp ba 1 kg thóc, đem lại thu nhập cao và ổn định cho nhiều hộ nông dân.

Từ loại cây mọc tự nhiên, lưa thưa trên những sườn đồi, cây thạch đen được người dân nhân giống về đem về trồng với diện tích tăng qua từng năm. Dần dần, thạch đen trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. 

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Chưa có tài liệu nào xác định nguồn gốc của cây thạch đen Lạng Sơn, nhưng từ những năm 70 của thế kỷ trước, cây thạch đen đã được người dân nhân rộng từ tự nhiên và phát triển tại 3 huyện: Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng. Ban đầu, thạch đen chỉ được trồng trên nương nhưng dần dần, cây trồng này được canh tác cả trên đất ruộng và trở thành cây chủ lực, có giá trị kinh tế của địa phương. 

Bà Cung Thị Huệ, thôn Nà Nọong, xã Đề Thám, huyện Tràng Định cho biết: Gia đình tôi trồng thạch từ hơn 20 năm trước. Ban đầu gia đình chỉ trồng một ít, sau đó, thấy cây thạch đen sinh trưởng và phát triển tốt, tiêu thụ lại thuận lợi nên những năm tiếp theo, gia đình tôi duy trì trồng 7 sào thạch đen; năng suất bình quân đạt 3 tạ/sào, nếu kết hợp trồng thạch với bán giống thạch đen thì năng suất đạt khoảng 2,5 tạ/sào. 

Cũng như bà Huệ, gia đình ông Nông Văn Phúc, thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia đã có hàng chục năm gắn bó với cây thạch đen. Từ chỗ chỉ tận dụng đất nương, khe suối để canh tác, gia đình ông tăng dần diện tích và đưa cây thạch xuống trồng trên cả đất ruộng.  “Toàn thôn có hơn 100 hộ thì có thời điểm, hầu như nhà nào cũng trồng thạch. Thạch thu hoạch đến đâu được tư thương thu mua đến đó nên chúng tôi yên tâm duy trì diện tích. Năm cao nhất, gia đình tôi trồng đến 8 sào cả thạch nương và thạch ruộng, thu được khoảng 2 tấn thạch khô.” – Ông Phúc chia sẻ.

Ảnh tràn viền

Người dân xã Đề Thám, huyện Tràng Định chăm sóc cây thạch giống

Theo đánh giá của doanh nghiệp, cá nhân mua bán, chế biến, xuất khẩu thạch đen, cây thạch đen Lạng Sơn được thương nhân ưa chuộng vì chất lượng khác biệt so với thạch đen trồng ở các địa phương khác trong nước.
 
Trong đó nổi bật là hàm lượng trương thạch (dịch thạch) trong thạch đen Lạng Sơn lớn, tỷ lệ lá trên thành cành cao. Điều này có được là do những đặc thù về điều kiện đất đai, khí hậu và kỹ năng sản xuất của người trồng thạch Lạng Sơn.

Thời gian qua, thạch đen Lạng Sơn được tiêu thụ với các loại sản phẩm như thạch đen cây khô, thạch đen ăn liền và bột thạch đen. Ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa, thạch đen cây khô và bột thạch đen Lạng Sơn còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc…

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Nhận thấy tiềm năng, giá trị kinh tế từ cây thạch đen, người dân tại các huyện trên địa bàn tỉnh đã không ngừng mở rộng diện tích trồng thạch. Từ đây, Lạng Sơn trở thành địa phương có diện tích thạch đen lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 2.000 ha/năm, có năm lên tới trên 3.000 ha.  

Xác định đây là một trong những cây trồng thế mạnh, đem lại giá trị kinh tế cao cần được đầu tư phát triển, các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn đã sớm chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thạch đen.

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho cây thạch đen Tràng Định. Năm 2020, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới đối với thạch đen huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. 

Ảnh với chú thích

Người dân xã Tân Tiến, huyện Tràng Định trồng thạch đen

Thạch đen đã được UBND tỉnh Lạng Sơn đưa vào danh mục cây trồng chủ lực của địa phương và chỉ đạo phát triển thành vùng sản xuất tập trung, tăng sản lượng cây trồng. 

Điều kiện tự nhiên phù hợp để cây thạch đen sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng sản phẩm vượt trội so với thạch đen của các địa phương khác; địa bàn tiếp giáp thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc. Đó là những tiền đề quan trọng để Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây thạch đen, nâng cao giá trị cây trồng chủ lực và tăng thu nhập cho người trồng thạch trên địa bàn tỉnh.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

So với trồng lúa, trồng ngô thì việc trồng thạch đen vất vả hơn nhưng thu nhập từ thạch đen lại cao hơn hẳn.

Gia đình anh Hoàng Minh Đài, thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia có 6 nhân khẩu. Từ nhiều đời nay, kinh tế của gia đình anh chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó có cây thạch đen. Hằng năm, anh trồng cả thạch ở nương và ruộng với diện tích trên dưới 1 mẫu.

Từ năm 2019 trở về trước, trung bình mỗi vụ, anh Đài thu hoạch được khoảng 2 tấn thạch đen. Thu hoạch đến đâu, người thu gom vào tận nơi để mua đến đấy với giá dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg.

“Tính ra mỗi vụ thạch, gia đình thu về 60-70 triệu đồng, cao gấp 3 lần trồng lúa, ngô trên cùng diện tích. Từ trồng thạch, gia đình tôi có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống và chăm lo cho con cái học hành.” – anh Đài chia sẻ.

Tương tự gia đình anh Đài, nhiều hộ dân ở xã Kim Đồng, huyện Tràng Định cũng có thu nhập khá từ trồng thạch đen.

Ông Hoàng Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Đồng cho biết: Trong những năm qua, cây thạch đen trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn xã với diện tích trồng trung bình trên 130 ha/năm; cao điểm có năm lên đến 243 ha. Sản lượng thạch đen mỗi năm đạt khoảng 700 tấn, giá trị kinh tế mang lại cho người dân trên địa bàn xã Kim Đồng từ 14-17,5 tỷ đồng. Từ trồng thạch, các hộ dân có thu ổn định, trong đó, hộ trồng nhiều thu được khoảng 50-70 triệu đồng/vụ thạch, khá hơn nhiều so với trồng ngô, trồng lúa. 

Ảnh trái: Người dân xã Đề Thám, huyện Tràng Định chăm sóc cây thạch đen trên đất ruộng.

Ảnh phải: Nông dân xã Hoa Thám, huyện Bình Gia thu hoạch thạch đen

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ năm 2019  trở về trước, diện tích trồng thạch đen trên địa bàn tỉnh dao động từ 1.900 -2.000 ha/năm; sản lượng đạt trên 10.000 tấn, giá trị đem lại khoảng 200 tỷ đồng/năm. 

Ở thời điểm đó, việc tiêu thụ thạch đen khá thuận lợi, lượng thạch sau thu hoạch đều được các doanh nghiệp, tư thương thu mua để tiêu thụ trong nước và phần lớn là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nông sản Hải Bình, xã Đề Thám, huyện Tràng Định cho biết: Từ nhiều năm trước, công ty đã thu mua, đóng gói nông sản để xuất bán sang thị trường Trung Quốc, trong đó chủ yếu là thạch đen. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua khoảng 4.000-5.000 tấn thạch khô cho bà con. Giá thu mua tùy từng thời điểm nhưng bình quân từ 17 đến 20 nghìn đồng/kg thạch ruộng (thạch trồng trên ruộng), 30 đến 35 nghìn đồng/kg thạch nương (có thời điểm đến 40 nghìn đồng/kg). 

Thạch đen - cây trồng đặc sản chủ lực của Lạng Sơn

Cùng với các doanh nghiệp, tư thương thu mua thạch thô để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thì thời gian qua, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc chế biến thạch ăn liền, sản xuất bột thạch đen.

Điển hình như Hợp tác xã Thạch đen Hồng Nhung, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định; Cơ sở sản xuất thạch Chu Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng; Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định…

Việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm bột thạch đen, thạch ăn liền đã góp phần tiêu thụ thạch đen của người dân, đồng thời nâng cao hơn nữa giá trị cây thạch đen trên địa bàn tỉnh.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

(Còn nữa)

Thực hiện:

BẢO VY - ĐÌNH QUYẾT - HOÀNG CƯỜNG

Kỳ 2: “Chắp cánh” cho thạch vươn xa