Tìm hướng tiêu thụ quả nhãn tươi
Mặc dù đã vào vụ thu hoạch nhưng các vùng trồng nhãn ở miền bắc lại đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại các vùng trồng nhãn lớn như Hưng Yên, Sơn La, dù được mùa nhưng người dân “đứng ngồi không yên” do giá xuống thấp và tiêu thụ cũng chậm.
Khó tìm “đầu ra”
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, hiện nay trên địa bàn có hơn 4.500 ha nhãn, trong đó gần 4.000 ha cho thu hoạch. Năm nay, nhãn được mùa lớn, ước sản lượng khoảng 50 nghìn tấn, tăng khoảng 20% so với năm trước. Ðến nay, người dân đã thu hoạch xong khoảng 18 nghìn tấn nhãn chín sớm với giá từ 15 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg và đang thu hoạch rộ nhãn chính vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nhãn đang gặp nhiều khó khăn.
Bà Trần Thị Thật, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: “Vụ nhãn năm nay gia đình tôi thu được khoảng năm tấn quả tươi, gấp 1,5 lần năm trước. Ðược mùa là vậy, nhưng tư thương đến mua không nhiều và giá nhãn cũng giảm sâu so với năm trước”. Hiện nay, Hợp tác xã (HTX) sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam có 31 thành viên, sản lượng nhãn đạt 250 tấn quả. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX, Trần Thị Bắc cho biết, nhãn của các hộ thành viên được sản xuất nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP nên chất lượng thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Những năm trước, phần lớn sản lượng nhãn của HTX được một số doanh nghiệp về ký hợp đồng tiêu thụ ở các siêu thị hoặc xuất khẩu. Năm nay, HTX cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ với hai doanh nghiệp nhưng do dịch Covid-19 nên lượng nhãn được thu mua chỉ bằng nửa năm trước và giá cũng giảm đến 20%. Còn tại xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu), trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thế – Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng là Giám đốc HTX nhãn Miền Thiết, cho biết: Toàn xã có 270 ha trồng nhãn chín muộn, được sản xuất theo hướng an toàn, đã tạo được thương hiệu trên thị trường. Ở thời điểm này, nhãn chín muộn sắp bước vào thu hoạch nhưng các thành viên của HTX nhãn Miền Thiết và các chủ vườn ở Hàm Tử cũng đang rất lo lắng cho đầu ra, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Với diện tích hơn 80.500 ha, sản lượng quả đạt 343 nghìn tấn/ năm, Sơn La trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước. Trong đó, diện tích cây nhãn là 17.300 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… Năm nay, sản lượng nhãn toàn tỉnh ước đạt 70.400 tấn, trong đó có khoảng 22.400 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhãn ở Sơn La được trồng dải vụ với nhãn chín sớm và chín muộn nên thu hoạch bắt đầu từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9. Ðể tổ chức tiêu thụ sản phẩm nhãn cho nông dân, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, kết nối thông tin, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại… Dự kiến, vụ nhãn này tỉnh xuất khẩu khoảng 7.900 tấn, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, tiêu thụ trong tỉnh 6.000 tấn và tiêu thụ trong nước 57.000 tấn. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến về xuất khẩu nhãn với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã phải hủy bỏ. Ngày 25-7 vừa qua, tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị xúc tiến đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn nhưng quy mô cũng bị thu hẹp lại.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Thơ chia sẻ, nhận thấy năm nay trên địa bàn được mùa nhãn nên Sở đã chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, hỗ trợ các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến dự, gặp gỡ và ký hợp đồng tiêu thụ. Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thực hiện hợp đồng mua, bán nhãn gặp khó khăn, lượng nhãn tiêu thụ chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là việc xuất khẩu quả nhãn tươi và long nhãn bị đình trệ. Ngay cả việc triển khai xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn của tỉnh Hưng Yên ở một số thành phố lớn, nhất là Hà Nội, cũng bị hủy bỏ.
Tăng chế biến, tiêu thụ trong nước
Mặc dù vậy, việc xuất khẩu nhãn vẫn có những “điểm sáng” khi vừa qua TP Chí Linh (Hải Dương) lần đầu tiên xuất khẩu được quả nhãn tươi ra nước ngoài. Ðến nay, thành phố đã xuất khẩu được 16 tấn nhãn quả đi Xin-ga-po, chín tấn đi Anh và chuẩn bị xuất khẩu 16 tấn đi Ô-xtrây-li-a. Ðiều đáng nói là giá thu mua nhãn xuất khẩu cao hơn so với giá bán tại thị trường trong nước từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Cũng tại hội nghị xúc tiến đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm nhãn Sơn La năm 2020 ngày 25-7 vừa qua, tỉnh đã xuất khẩu hơn 30 tấn nhãn của huyện Sông Mã sang thị trường Trung Quốc.
Do dịch Covid-19 nên hoạt động xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc chịu nhiều tác động. Nhằm tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước, đặc biệt là việc thúc đẩy tiêu thụ nhãn, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có buổi làm việc với đại diện Ðại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, với sự hỗ trợ của Ðại sứ quán, sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng hai nước, nên vụ vải vừa qua được tiêu thụ rất tốt. Vì vậy, Việt Nam mong muốn thúc đẩy xuất khẩu trái nhãn sang Trung Quốc trong thời gian tới, bởi ngoài sản phẩm tươi, nhãn có thể chế biến được nhiều sản phẩm. Tại buổi làm việc, đại diện Ðại sứ quán Trung Quốc cho biết, sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn như: làm việc trực tuyến, liên hệ các doanh nghiệp, đầu mối lớn tại Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu nhãn tươi cũng như long nhãn của Việt Nam.
Trong nỗ lực tìm “đầu ra” cho quả nhãn, ngày 13-8, Bộ Công thương phối hợp Bộ NN và PTNT, UBND các tỉnh Hưng Yên, Sơn La tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Ðỗ Thắng Hải, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể ra nước ngoài giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, những thương nhân, nhà nhập khẩu nước ngoài cũng không thể sang Việt Nam trực tiếp giao dịch với các nhà vườn trồng nhãn. Vì vậy, hội nghị giúp hỗ trợ các nhà vườn, HTX, doanh nghiệp nhãn Việt Nam tăng cường tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, xuất khẩu nhãn và sản phẩm nhãn ra thị trường quốc tế.
Qua tác động của dịch Covid-19, một lần nữa càng khẳng định vai trò quan trọng của thị trường trong nước đối với sản phẩm nông sản. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu, các địa phương đang thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Tại Sơn La, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các kênh tiêu thụ nội địa, đặc biệt là tổ chức chế biến long nhãn. Theo Trưởng phòng NN và PTNT huyện Sông Mã Nguyễn Tiến Hải, trên địa bàn huyện hiện có hơn 7.000 ha nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch 4.500 ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 70% diện tích. Do giá nhãn xuống thấp, các hộ dân và HTX đã chuyển sang chế biến long nhãn, đây là biện pháp khắc phục tình thế nhằm giữ cho giá nhãn không xuống quá thấp và ổn định thị trường. Ông Nguyễn Văn Phòng (HTX dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) cho biết, năm nay HTX dự kiến dành 5.000 tấn quả tươi để sản xuất long nhãn và hiện toàn bộ số sản phẩm long nhãn này đã được đối tác đặt hàng nên bà con cũng bớt lo đầu ra.
Ðể hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ nhãn, trong ba ngày từ 31-7 đến 2-8, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản-Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên năm 2020 với quy mô 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu nhãn quả và nông sản tiêu biểu chủ lực trong tỉnh. Ðồng thời, kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, đơn vị phân phối trong và ngoài tỉnh ký kết tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản Hưng Yên đến với người tiêu dùng trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh, hai tỉnh Sơn La và Hưng Yên là nơi trồng nhãn lớn nhất miền bắc, chiếm khoảng 30% diện tích nhãn toàn quốc. Nhãn Sơn La, Hưng Yên có chất lượng cao và hình thức đẹp, hương vị thơm ngon được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng và đánh giá cao. Sản phẩm nhãn Sơn La đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận “nhãn Sông Mã”; nhãn lồng Hưng Yên đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Ý kiến ()