Tìm hướng tiêu thụ cho trái cây Việt
Quả thanh long được phân loại trước khi xuất khẩu. Bài 1: Những thương gia bất đắc dĩTheo quy hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ thì diện tích cây ăn trái toàn vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 495 nghìn ha. Tuy nhiên, với quy hoạch, chính sách quản lý, định hướng phát triển và nhất là thị trường đầu ra cho trái cây Việt Nam luôn ở trong tình trạng thiếu ổn định như hiện nay thì việc đi tìm lời giải cho trái cây đang là một vấn đề cấp bách hiện nay.Được giá nhưng không vuiCuối tháng 9, những cơn mưa bất thường "nằm ngoài" chương trình dự báo thời tiết, khiến cho người dân trồng thanh long tại Bình Thuận càng rầu thêm. Mặc dù vừa thu hoạch xong thanh long chính vụ, giá khá cao và ổn định nhưng hầu hết người dân không vui. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Tổ hợp tác thanh long VietGAP Thuận Tiến, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Thấy chúng tôi tỏ...
Quả thanh long được phân loại trước khi xuất khẩu. |
Theo quy hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ thì diện tích cây ăn trái toàn vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 495 nghìn ha. Tuy nhiên, với quy hoạch, chính sách quản lý, định hướng phát triển và nhất là thị trường đầu ra cho trái cây Việt Nam luôn ở trong tình trạng thiếu ổn định như hiện nay thì việc đi tìm lời giải cho trái cây đang là một vấn đề cấp bách hiện nay.
Được giá nhưng không vui
Cuối tháng 9, những cơn mưa bất thường “nằm ngoài” chương trình dự báo thời tiết, khiến cho người dân trồng thanh long tại Bình Thuận càng rầu thêm. Mặc dù vừa thu hoạch xong thanh long chính vụ, giá khá cao và ổn định nhưng hầu hết người dân không vui. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Tổ hợp tác thanh long VietGAP Thuận Tiến, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại trước cơn mưa chiều đã kéo dài gần hai giờ đồng hồ, anh Trần Đình Trung, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long VietGAP Thuận Tiến, một trong những tổ hợp tác đi đầu về áp dụng chương trình kỹ thuật VietGAP vào trồng thanh long, nói: Mưa kéo dài kiểu này chắc chắn cây thanh long sinh ra nhiều bệnh như thối rễ, gãy cành, thối trái… Nhất là thời điểm này thanh long trái vụ vừa bắt đầu chín sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về trọng lượng cũng như chất lượng. Đối với cây thanh long tại Bình Thuận thu hoạch chính vụ được bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 9 hằng năm và ngay sau đó người dân thắp điện để thanh long ra trái vụ được bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài tháng 4 năm sau.
Hiện Bình Thuận có khoảng 18 nghìn ha cây thanh long, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 15 nghìn ha và đặc biệt người dân sử dụng biện pháp chong điện hằng đêm trên diện tích khoảng 10 nghìn ha thanh long trái vụ nên trung bình hằng năm đạt khoảng 30 tấn/ha. Chính vụ năm nay giá thanh long tại Bình Thuận được thu mua từ 8.000 đến 12.000 đồng/kg, nhưng sản lượng thu hoạch thanh long rất thấp. Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thanh long chính vụ năm nay chỉ đạt khoảng năm đến sáu tấn/ha, khoảng một phần ba so mọi năm. Ngay như Tổ hợp tác thanh long VietGAP Thuận Tiến có 39,6 ha thanh long, với 48 hộ xã viên tham gia, sản lượng cũng chỉ đạt hơn 200 tấn. Anh Trần Đình Trung cho biết: Hằng năm chính vụ sản lượng đạt khoảng 600 tấn, nhưng năm nay ngoài vấn đề về thời tiết, sâu bệnh thì người dân đang bị ảnh hưởng rất lớn từ việc điện lực cắt giảm đến 50% lượng điện thắp cho cây thanh long nên sản lượng cũng giảm theo 50%. Đồng thời các loại phí như giá điện, phân bón đều tăng nên đã đẩy chi phí lên gần gấp hai lần so trước đây. Theo anh Trung, mặc dù giá thanh long năm nay có cao hơn các năm trước nhưng vẫn không thể cho hiệu quả như những năm trước đó.
Thực trạng được giá mất mùa hoặc ngược lại được mùa rớt giá đã không còn là chuyện xa lạ đối với người trồng cây ăn trái tại Việt Nam. Năm nay, ở hầu hết các loại trái cây tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ đều được giá. Trong đó, vào thời điểm chính vụ tại Vĩnh Long, tỉnh xếp thứ hai tại khu vực ĐBSCL về sản lượng trái cây, các loại trái cây như nhãn, chôm chôm, bưởi, xoài cát Hòa Lộc… đều có giá cao khoảng gấp hai lần cùng kỳ năm ngoái. Bưởi Năm Roi tại huyện Bình Minh vào đầu vụ giá trung bình khoảng 15 nghìn đồng/kg, chính vụ thấp nhất là 10 nghìn đồng/kg, những năm trước chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Ngay chôm chôm thời điểm giá thấp nhất cũng khoảng từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg. Giá xoài cát Hòa Lộc và bưởi Năm Roi bán còn cao hơn sản phẩm cùng loại của Thái-lan. Nhưng hầu hết sản lượng các loại trái cây tại Vĩnh Long từ đầu năm đến nay đều giảm. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm, chỉ tính riêng về bưởi hiện tỉnh có khoảng 6.300 ha bưởi cho thu hoạch, trong sáu tháng đầu năm 2012 cả tỉnh mới thu hoạch được khoảng 40 nghìn tấn, bình quân khoảng sáu tấn/ha và thấp hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều (cả năm trước đạt khoảng 95 nghìn tấn bưởi). Ngoài lý do về giống, thời tiết bất thường làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất thì năm nay hiện tượng sâu đục trái đang làm người trồng bưởi gặp nhiều khó khăn. Đến nay, diện tích bị nhiễm sâu đục trái bưởi đang chiếm khoảng 10% số diện tích trên toàn địa bàn và nhiều điểm người trồng bưởi mất trắng. Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa Nguyễn Văn Nghĩa, cho biết: Chưa năm nào sâu đục trái xuất hiện sớm và nhiều như năm nay. Nếu phun thuốc sẽ bị ảnh hưởng đến quy trình VietGAP nhưng không phun thì nguy cơ mất mùa bưởi hoặc người dân thu mua bưởi, nhưng không bán được vì sâu đục trái. Do đó, giá bán có cao đến mấy đi nữa thì người trồng bưởi cũng khó có thể vui được.
Thị trường phụ thuộc vào thương lái
Mặc dù trong những năm gần đây, diện tích trái cây đều tăng từ 10 đến 15%, sản lượng cũng được tăng theo, thế nhưng có một thực tế là các địa phương vẫn chưa thật sự tổ chức được đầu ra ổn định cho trái cây mà hầu hết để người nông dân tự tìm kiếm thị trường. Do vậy, hầu hết giá trái cây và việc thu mua đang được phó mặc cho thương lái và giá cả vẫn phụ thuộc vào thương lái là chính. Nhìn nhận về vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng: “Chính điều này đã tạo ra sự thiếu ổn định đầu ra cho trái cây. Dẫn đến tình trạng thương lái thường xuyên ép giá đối với người trồng. Đặc biệt, do phải tự tìm kiếm thị trường khiến cho nông dân đang phải gánh quá nhiều vai và họ trở thành những thương gia bất đắc dĩ”. Thực tế, ngay tại Vĩnh Long, mỗi năm sản lượng trái cây đạt trung bình từ 535 nghìn đến 550 nghìn tấn nhưng các doanh nghiệp, HTX được thành lập tại địa phương để thu mua sản phẩm cho người dân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết: “Hiện giờ gần như 100% lượng trái cây trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều do thương lái thu gom rồi đem tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu ra nước ngoài”. Trong đó, về thu mua và tiêu thụ bưởi Năm Roi hiện chỉ có duy nhất HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa là của địa phương đứng ra thu mua trực tiếp từ dân. Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ nhiệm HTX này thì bình quân mỗi tháng tiêu thụ khoảng 50 tấn bưởi (tương đương một phần mười so với sản lượng trong huyện) nhưng chủ yếu là thu gom rồi bán ở thị trường trong nước, còn việc xuất khẩu vẫn phải qua trung gian. Toàn bộ số bưởi còn lại trên địa bàn huyện Bình Minh đều do khoảng hơn 10 thương lái đến từ nhiều vùng khác nhau đứng ra thu gom.
Ngay như Tiền Giang là tỉnh có diện tích, sản lượng cây ăn trái lớn nhất nước, chiếm 8% so tổng diện tích cả nước, hầu hết các loại cây trồng đều được bố trí phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn theo từng vùng sinh thái cho nên năng suất, sản lượng cao. Tại đây, giá trị sản lượng cây ăn trái đã vươn lên dẫn đầu trong các loại cây trồng của tỉnh, chiếm 47% giá trị sản lượng ngành trồng trọt. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có trên 67.000 ha cây ăn trái các loại, sản lượng gần một triệu tấn, hình thành được vùng sản xuất cây ăn trái tập trung như: vùng khóm (dứa) Tân Phước là 11.300 ha, vùng thanh long Chợ Gạo gần 3.000 ha, vú sữa Lò Rèn Châu Thành 2.600 ha, xoài cát Hòa Lộc gần 2.000 ha, sầu riêng ở Cai Lậy 5.500 ha… Đồng thời đã chọn ra được bảy nhóm sản phẩm chủ lực như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bưởi long Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm Tân Lập, thanh long Chợ Gạo và sơ ri Gò Công. Nhưng hầu hết trái cây vẫn do thương lái đứng ra thu mua và chủ yếu tiêu thụ dưới dạng trái tươi ở thị trường trong nước và xuất khẩu qua Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Trong đó, chỉ một phần được xuất khẩu qua đường chính ngạch chủ yếu xuất trái cây đóng hộp sang các nước Đức, Bỉ, Thụy Sĩ… và các nước trong khu vực như Xin-ga-po, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, như trái thanh long đã được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp mang lại nguồn thu lớn hàng đầu và là cây chủ lực số một tại Bình Thuận. Hiện có 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, với số lượng chiếm khoảng 40% sản lượng thanh long nhưng chỉ có 4/12 doanh nghiệp này tổ chức người trực tiếp xuống thu mua thanh long tại vườn và còn lại chủ yếu thu mua thông qua thương lái hoặc các chủ vườn tự tổ chức đưa đi tiêu thụ các vùng lân cận, xuất khẩu trực tiếp qua con đường tiểu ngạch. Đến nay, có đến trên 90% lượng thanh long tại Bình Thuận xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hưng thừa nhận: “Nguyên nhân chính là do thiếu đoàn kết của các doanh nghiệp trên địa bàn, dẫn đến việc chưa thống nhất về một mối giá thu mua thanh long trên thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang phải chờ những định hướng cơ chế, chính sách đồng nhất, cụ thể và tầm nhìn từ cấp trung ương thì mới có thể dựa theo để điều tiết thị trường thanh long”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()