Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi
Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) thường xuyên tăng, trong khi giá lợn, gà bán ra lại không tăng khiến người chăn nuôi ở Đồng Nai điêu đứng. Không ít trang trại chăn nuôi phải ngưng hoạt động vì thua lỗ.
Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) thường xuyên tăng, trong khi giá lợn, gà bán ra lại không tăng khiến người chăn nuôi ở Đồng Nai điêu đứng. Không ít trang trại chăn nuôi phải ngưng hoạt động vì thua lỗ.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Đồng Nai có tổng đàn lợn trên 1,1 triệu con và đàn gà xấp xỉ 10 triệu con, được xem là vùng có ngành chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhất cả nước, hiện cũng đang rầm rộ rao bán chuồng trại. Nếu chậm có giải pháp tháo gỡ chắc chắn sẽ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền toàn ngành chăn nuôi.
Thống kê của Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết, cả nước có hơn 230 doanh nghiệp sản xuất TĂCN. Trong đó, các nhà máy sản xuất lớn từ 50-100 ngàn tấn/năm đều thuộc doanh nghiệp nước ngoài. Trao đổi về việc giá TĂCN ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Thái Lan…, ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty CP TĂCN Thanh Bình- Đồng Nai, Phó chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam nhận định: “Giá TĂCN Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực đến 20% là do phải chịu thuế VAT, lãi suất ngân hàng cao gấp 2 lần các nước trong khu vực. Ngoài ra, chi phí bán hàng, vận chuyển đến người chăn nuôi nhỏ lẻ qua nhiều khâu trung gian cũng khiến giá TĂCN bị đẩy tăng thêm nhiều”. Ông Bình cho biết thêm, tuy ngành chăn nuôi đang đứng bên bờ vực vì thua lỗ, nhưng các nhà máy sản xuất TĂCN lớn trong nước vẫn thu lợi nhuận 3-7%, trong khi các nước trên thế giới chỉ từ 1-1,5%.
Tại vùng chăn nuôi lợn trọng điểm huyện Trảng Bom và Thống Nhất (Đồng Nai), người chăn nuôi đang lâm vào khó khăn vì giá lợn liên tục xuống thấp, hầu hết các hộ phải thu hẹp sản xuất, một số phải “treo chuồng” vì thua lỗ, nợ nần. Tại huyện Thống Nhất, nơi có đàn lợn lớn nhất nước, gần 500 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn lên tới 250.000 con vẫn phải xuất bán từ 1.000 đến 1.500 con lợn thịt/ngày, chấp nhận giá bán lỗ. Nhiều tuần qua giá lợn chỉ dao động ở mức 36 – 37 triệu đồng/tấn, loại tốt nhất cũng chỉ 38 – 38,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành sản xuất đã đội lên 40 – 41 triệu đồng/tấn.
Trước tình trạng giá TACN tăng, giá lợn hơi trên thị trường giảm mạnh, hiện nhiều hộ chăn nuôi tìm cách cầm cự là tự pha chế lấy thức ăn chăn nuôi (thay vì mua cám công nghiệp) chắc chắn sẽ giúp giảm giá thành ít nhất 5 – 8%. Minh chứng là ngay tại huyện Thống Nhất, số hộ thua lỗ, nợ nần đều rơi vào 50% hộ chăn nuôi dùng cám công nghiệp. 50% hộ còn lại dùng cám tự trộn đã giảm bớt được thua lỗ, nhiều hộ hòa vốn và tiếp tục xoay xở để duy trì đàn nuôi
Chị Phạm Thị Thủy, ngụ ở ấp Tân Bình II, xã Lang Minh và một số hộ dân trên địa bàn huyện Xuân Lộc đã áp dụng biện pháp tự pha chế thức ăn sẵn có tại nhà như: bắp, rau, cám trộn với bột đậm đặc để giảm bớt chi phí đầu tư chăm sóc và tái duy trì đàn lợn.
Chị Thủy cho biết, với tổng đàn lợn 180 con, trung bình mỗi ngày một con lợn con tiêu tốn 1 kg/ thức ăn. Còn đối với lợn chuẩn bị xuất bán sẽ tiêu tốn 2,5 kg/ thức ăn/ con. Nếu cho ăn thức ăn tổng hợp thì chi phí đầu tư chăm sóc một con lợn con từ khi sinh ra đến thời điểm xuất bán hơn 4 triệu đồng. Nhờ áp dụng biện pháp trên, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã giảm chi phí xuống còn 3,5 triệu đồng/con.
Tương tự, ông Nguyễn Công Khanh, chủ trang trại nuôi lợn ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) cũng cho biết, với giá TĂCN của các công ty lớn tăng quá cao, còn giá thịt lợn hiện xuống mức 34-38 ngàn đồng/kg, dưới giá thành 6-8 ngàn đồng/kg. Để giữ được đàn lợn, ông chuyển qua dùng cám trộn giảm được hơn 1 ngàn đồng/kg so với cám mua từ các công ty. Tuy nhiên, biện pháp trên là tạm thời vì chỉ áp dụng được đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ…
Ông Nguyễn Trí Công còn cho biết thêm, ngoài giá bán quá bất lợi, vấn đề lớn của người chăn nuôi hiện nay là việc tiếp cận vốn ngân hàng vô cùng khó khăn. Hiện các chính sách hỗ trợ đều tập trung vào 5 ngân hàng nhà nước, người nông dân không thể vay vốn do vướng thủ tục thế chấp như chưa có “sổ đỏ”, quyền sở hữu công trình hoặc tài sản trên đất. Cá biệt một số hộ tiếp cận được thì vốn cũng rất hạn chế, không còn sức chống đỡ, buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc bỏ nghề. Để cứu người chăn nuôi, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mời các ngân hàng cùng xem xét khoanh và giãn nợ cho các hộ chăn nuôi; đồng thời tiếp tục có chính sách linh hoạt cho vay vốn để duy trì sản xuất. Ngoài ra, việc đánh thuế VAT 5% trên TĂCN hiện nay không còn phù hợp khiến giá TĂCN của nước ta vốn cao lại càng thêm ngất ngưởng (cao hơn các nước từ 10 – 15%).
Điều lo ngại nhất hiện nay là sự cạnh tranh tới đây của các công ty nước ngoài. Theo ông Công, các công ty kinh doanh TĂCN nước ngoài đều tính toán sẵn kịch bản trong bao năm nữa sẽ xuất khẩu thịt vào thị trường Việt Nam , lượng hàng ra sao. “Cứ với đà này thì các công ty nước ngoài sẽ chiếm 40% thị phần, 40% nữa thuộc về thịt đông lạnh nhập khẩu, chỉ còn 20% thuộc về người chăn nuôi trong nước. Khi đó người nuôi lợn lại trở thành người làm thuê như nuôi gà công nghiệp hiện nay”, ông Công nhận định.
Trước hàng loạt những khó khăn của người chăn nuôi, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khảo sát các cơ sở và trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai. Ông Nguyễn Xuân Dương Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng, hiện nay, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các Bộ, ngành tìm hướng tháo gỡ dần cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, trong khi chờ các chính sách, người chăn nuôi cần chủ động tìm cách giảm tối đa giá sản xuất và triệt để phòng ngừa dịch bệnh.
Dangcongsan
Ý kiến ()