Tìm hướng phát triển xoài cát Hòa Lộc
Xoài cát Hòa Lộc là một trong bảy loại trái cây chủ lực được tỉnh Tiền Giang đầu tư phát triển. Theo đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cũng chọn trái xoài làm bước đột phá cho các loại cây trái còn lại. Song, trên thực tế, hướng phát triển loại trái ngon đặc sản này còn lắm gian nan.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 5.000 ha xoài các loại như: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài ghép… Trong đó, huyện Cái Bè là nơi trồng tập trung nhiều nhất tỉnh, với hơn 3,3 nghìn ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Tiền Giang, khu vực này từ trước đến nay nổi tiếng với giống xoài cát Hòa Lộc được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Bởi, loại trái cây này cho chất lượng ngon, không đâu sánh bằng. Diện tích trồng xoài tập trung bao gồm 13 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc gồm: An Hữu, An Thái Đông, An Thái Trung, Hậu Thành, Hòa Hưng, Hòa Khánh, Mỹ Đức Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Lợi A, Mỹ Lương, Tân Hưng, Tân Thanh và Thiện Trí (huyện Cái Bè); hơn 1,8 nghìn ha ở các xã: Phú An, Cẩm Sơn, Hiệp Đức, Hội Xuân (huyện Cai Lậy). Tuy nhiên, hiện nay xoài Tiền Giang chủ yếu tiêu thụ dưới dạng trái tươi ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Hệ thống thu mua vẫn phụ thuộc vào thương lái qua nhiều khâu trung gian.
Hiện, xoài cát Hòa Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời năm 2012, HTX Hòa Lộc tổ chức sản xuất theo GAP, với 20,73ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.Cũng trong năm 2012, xoài cát Hòa Lộc được cấp chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2014, người nông dân sản xuất với quy trình cao hơn và được chứng nhận GlobalGAP.Sau khi được chứng nhận GAP, sản phẩm này được xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật, Hàn Quốc, Ca-na-đa, Niu Di-lân, Nga… và tiêu thụ nội địa ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Trên thực tế, dù đã được định hình thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu nhưng việc đưa được sản phẩm xoài cát Hòa Lộc đến tay người tiêu dùng của HTX xoài cát Hòa Lộc còn nhiều khó khăn. Giám đốc HTX xoài cát Hòa Lộc Nguyễn Thành Nhơn chia sẻ: “Rất nhiều tổ chức, cá nhân nghe tiếng và đã liên hệ ký hợp đồng mua xoài cát Hòa Lộc. Một số hợp đồng đã xuất sang Nhật Bản. Tuy vậy, thương hiệu xoài cát Hòa Lộc đến nay vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Bởi quá nhiều trở ngại về chất lượng sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm…”.
Còn nhiều thách thức
Theo PGS, TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long thì, “Nhắc tới trái xoài Tiền Giang đến đâu thì tôi buồn đến đó. Bởi, ban đầu, xoài cát Hòa Lộc xuất sang Nhật Bản được 100 tấn/năm, rồi giảm còn 60 tấn/năm và từ từ giảm chẳng còn bao nhiêu. Các loại xoài ở tỉnh Tiền Giang tiêu thụ nội địa là 48,1% và số còn lại cho xuất khẩu. Trong hơn 51,9% xuất khẩu đó chủ yếu là xoài cát Chu, chỉ có 1,3% xuất khẩu từ HTX xoài cát Hòa Lộc.
Những dẫn chứng của bà Lộc xuất phát từ việc trái xoài cát Hòa Lộc quá đắt khi bán trên thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu. Trong khi, xoài Ấn Độ, Thái-lan, Trung Quốc… chỉ có giá từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg; còn xoài cát Hòa Lộc lại có giá từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg. “Trái xoài của các nước giá thấp, độ đồng đều cao, trái lớn vừa phải và rất dễ ăn. Xoài cát Hòa Lộc của chúng ta giá cao, thường dư nước, trái to… cho nên người dân một số nước không chuộng…” – bà Lộc nói.
Cụ thể, diện tích trồng xoài của cả nước khoảng 87 nghìn ha, sản lượng hơn 969.000 tấn/năm. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có gần 4.900ha, sản lượng hơn 61 nghìn tấn. Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng xuất khẩu xoài thì số lượng quá ít và nằm ngoài tốp 10 nước xuất khẩu xoài. Tuy nhiên, nước ta lại đứng thứ bảy trong số các nước nhập khẩu xoài. “Chúng ta thường khen xoài mình ngon, chất lượng mà phải nhập khẩu xoài các nước với số lượng lớn? Đây quả là điều bất hợp lý. Bởi, Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng có vùng nguyên liệu quá lớn. Tại sao không đặt câu hỏi: Chúng ta nhập khẩu xoài ào ạt mà nông dân cứ liên tục than bán không được, giá không ổn định. Đây là điều đặt ra cho ngành nông nghiệp, cũng như các ngành có liên quan”- bà Lộc bức xúc. Mới đây, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở TP Hồ Chí Minh đặt hàng 20 tấn xoài/ngày, 200 tấn xoài/tháng nhưng xoài đó phải đạt chuẩn và có bao trái. Trước yêu cầu trên, xoài cát Hòa Lộc chỉ đáp ứng được một phần (đạt chuẩn Global GAP) nhưng vấn đề bao trái thì chưa cho nên hợp đồng không được thực hiện.
Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang thừa nhận giá trị gia tăng của xoài cát Hòa Lộc vẫn còn thấp, chưa tạo ra được chuỗi giá trị làm cơ sở của một lợi thế cạnh tranh vững chắc trong xuất khẩu và đứng vững ở thị trường nội địa. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, chưa bảo đảm chất lượng cũng như số lượng cung ứng cho thị trường; công tác bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém; việc thu mua, vận chuyển còn phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thương lái, cơ sở phục vụ cho công nghiệp chế biến sản phẩm trái cây còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng và triển khai cánh đồng lớn về sản phẩm xoài, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh; tăng cường công tác khuyến nông để tạo ra sản phẩm xoài chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng và đáp ứng được thị trường. Xây dựng kế hoạch sản xuất xoài rải vụ, nghiên cứu để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ…
Xoài là đặc sản trái cây nổi tiếng, đầy tiềm năng, có giá trị kinh tế cao của cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng. Bởi vậy, không chỉ có giống xoài cát Hòa Lộc, mà còn hàng loạt giống xoài khác như: xoài Cẩm Thành, xoài cát Chu, xoài bưởi, xoài ghép… đang rất cần Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển, thoát khỏi vòng luẩn quẩn, manh mún như hiện nay. Song, những động thái, chính sách hỗ trợ tích cực ấy xem ra vẫn còn xa vời. Cho nên, việc cạnh tranh với xoài Ấn Độ, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin và Trung Quốc vẫn là một thách thức đối với trái xoài không chỉ của tỉnh Tiền Giang.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()